Hoạt động của ngành

Tuyên Quang: Hướng tới sản phẩm du lịch độc đáo

Cập nhật: 23/09/2021 11:07:51
Số lần đọc: 657
Đa dạng các sản phẩm du lịch bằng cách đưa sản phẩm OCOP vào làm quà tặng đã đem lại hiệu quả “kép”. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các địa phương trong tỉnh khai thác, phát triển du lịch cũng như tạo đà cho sản phẩm OCOP vươn xa.



Homestay A Phủ, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) là sản phẩm OCOP 4 sao.

Xã Thượng Lâm  nổi tiếng với loại hình du lịch Homestay với kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Tày. Những ngôi nhà sàn được làm bằng gỗ, không gian xung quanh được người dân chỉnh trang, sắp xếp lại để phù hợp cho khách nghỉ ngơi, thư giãn, trở thành những địa điểm du lịch cộng đồng “hút” khách du lịch. Để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ cũng như quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân nơi đây, năm 2021 UBND huyện Lâm Bình đưa sản phẩm Dịch vụ du lịch cộng đồng và các điểm du lịch Homestay 99 ngọn núi, của Tổ hợp tác dịch vụ Homestay 99 ngọn núi xã Thượng Lâm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang. Qua đánh giá thẩm định sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Tổ hợp tác dịch vụ Homestay 99 ngọn núi xã Thượng Lâm có 4 thành viên gồm Homestay A Phủ, Homestay Tài Ngào, Homestay Hà Cát, Homestay A Na. Ông Hỏa Đức Phủ, chủ Homestay A Phủ cho biết, từ những việc làm cụ thể như xây dựng quy ước của cộng đồng về việc tiếp đón du khách sao cho văn minh, lịch sự; vệ sinh môi trường sạch sẽ hay cả việc không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã làm thực phẩm, khai thác gỗ trái phép làm nhà... cũng được phổ biến đến người dân. Hướng đến sản phẩm OCOP, tổ hợp tác dịch vụ Homestay 99 ngọn núi đang dần chuẩn hóa, hoàn thiện về quy chế, quy định với du khách và cộng đồng trong quá trình làm du lịch, tổ hợp tác sẽ nỗ lực hoàn thiện để khai thác sản phẩm du lịch ngày càng bài bản hơn. Mỗi năm điểm dịch vụ du lịch Homestay 99 ngọn núi, xã Thượng Lâm phục vụ khoảng 4.000 lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm, doanh thu hàng năm ước đạt trên 700 triệu đồng.

Phát huy thế mạnh về du lịch, những năm gần đây huyện Lâm Bình tích cực phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo gắn với chương trình OCOP như: Homestay, chè Shan Khau Mút, giảo cổ lam, rau bò khai, thịt dê... Đây là những “thức ngon” mà nhiều du khách nhận xét chỉ có ở Lâm Bình.


Trải nghiệm dệt thổ cẩm tại Homestay A Phủ, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình). Ảnh: Cao Huy

Ông Trần Văn Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình cho biết, hiện huyện có 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 9 sản phẩm OCOP 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao. Phát huy tiềm năng, lợi thế khi Lâm Bình đang phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế, ngoài tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, huyện đang không ngừng nâng cao chất lượng, cũng như đa dạng các sản phẩm du lịch của địa phương.

Được công nhận làng nghề chè từ năm 2014, làng nghề chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương) có trên 85% số hộ sống nhờ nghề sản xuất chè với tổng diện tích gần 200 ha chè. Chè được người dân thôn Vĩnh Tân trồng tập trung thành khu tạo nên những đồi chè đẹp mắt. Những năm gần đây xã Tân Trào đã kết hợp du lịch lịch sử với du lịch trải nghiệm tại làng nghề. Đồng chí Hoàng Đức Soài, Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết, để gắn du lịch với sản phẩm đặc trưng của địa phương xã đang hướng tới cải thiện cảnh quan thu hút khách du lịch khi đến tham quan làng nghề vừa nâng cao chất lượng sản phẩm chè bằng cách khuyến khích người dân trong thôn Vĩnh Tân tận dụng những thửa ruộng chằm, thụt bỏ hoang để trồng sen, vừa tạo cảnh quan cho khách du lịch trải nghiệm vừa làm nguyên liệu tẩm ướp chè.

Năm 2020, sản phẩm chè của HTX chè Vĩnh Tân được phân hạng là sản phẩm OCOP 4 sao. Anh Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc HTX chè Vĩnh Tân cho biết, HTX đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng chế biến các sản phẩm chè xanh, sản lượng hơn 800 tấn mỗi năm, doanh thu đạt hơn 66 tỷ đồng; sản phẩm chè của HTX gồm 2 loại là sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài và sản phẩm tiêu thụ trong nước. Hiện HTX tạo việc làm cho gần 40 lao động địa phương, với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng.


Toàn cảnh đồi chè của HTX Chè Vĩnh Tân.   Ảnh: Cảnh Trực

Huyện Sơn Dương hiện có 25 sản phẩm đã được tiêu chuẩn hóa gắn sao OCOP. Trong thời gian tới, huyện Sơn Dương dự kiến sẽ phát triển lên hơn 75 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Để sản phẩm OCOP phát triển và vươn xa, ngoài tham gia các gian hàng quảng bá sản phẩm huyện cũng tích cực giới thiệu, trưng bày các sản phẩm OCOP tại các khu, điểm du lịch giới thiệu với du khách về những sản vật đặc trưng của địa phương, từ đó làm đa dạng các sản phẩm du lịch.

Theo đồng chí Ngô Tuyết Nhung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, khi các sản phẩm du lịch là sản phẩm OCOP sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, trong đó ý thức gìn giữ, phát huy giá trị sản phẩm của người dân riêng có của địa phương sẽ tốt hơn. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP thông qua kênh du lịch sẽ rộng rãi và được nhiều du khách biết đến hơn... Để phát huy tốt thế mạnh đó, thời gian tới các ngành chức năng phối hợp thẩm định, chuẩn hóa thành sản phẩm OCOP theo đúng quy trình. Qua đó nhằm giữ gìn, phát huy thương hiệu, nâng cao vai trò của các địa phương, mỗi người dân và các doanh nghiệp, HTX để gắn phát triển du lịch với Chương trình OCOP nhằm mang lại giá trị kinh tế bền vững cho người dân.

Bài, ảnh: Cao Huy

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục