Hoạt động của ngành

Vĩnh Phúc: Hát Trống quân Đức Bác – Di sản cần gìn giữ

Cập nhật: 23/09/2021 10:01:57
Số lần đọc: 2484
Hát trống quân là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, một hình thức hát giao duyên từ lâu của người Việt ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Ở Vĩnh Phúc, hát trống quân được coi là đặc sản văn hóa của nhân dân Đức Bác, huyện Sông Lô gắn liền với lễ hội cầu đinh tại đình làng Đức Bác. Đây cũng là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng. Loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống này không ngừng được tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng và trình diễn.


“Đi đâu từ sớm đến giờ,
để cho anh đợi anh chờ anh mong
Bên em còn dở hội chùa
Cho nên em phải đi trưa thế này…”.

Những câu hát tưởng như đơn giản, mộc mạc ấy nhưng chứa đựng trong đó biết bao ân tình.

Trống quân Đức Bác thường được tổ chức vào mùa xuân, hình thành từ tích truyện của 2 làng ven sông Lô là làng Kẻ Lép xưa, tức là làng Đức Bác ngày nay và làng Phù Ninh thuộc tỉnh Phú Thọ. Khi vào hội hát trống quân, các trai làng Đức Bác đón các cô đào Phù Ninh  sang hát giao duyên. Lên đến bờ sông, họ sánh vai nhau vừa đi vừa hát. Các cô đào đeo trước ngực một chiếc trống con, các chàng trai vừa hát vừa cầm dùi gõ vào mặt trống. Từng cặp nam nữ đứng đối diện nhau, nữ đi giật lùi, nam tiến về phía trước. Họ cứ vừa đi vừa hát như vậy cho đến tận cửa đình làng.


Các chàng trai cô gái hát Trống quân Đức Bác

Giai điệu giao duyên của Trống quân Đức Bác là lối hát trao gửi tình yêu có sức sống mãnh liệt với 3 làn điệu đặc trưng là hát đón đào, hát mó cá và hát đúm được trình diễn bằng một lối hát tự nhiên với sự  kết hợp chặt chẽ giữa lời hát và tiết tấu. Sau mỗi khúc hát của đào hay kép đều được đệm bằng câu hát “kia hợi í a trống quân” sự phân chia tuần tự, nhưng không đứt quãng giữa đôi bên khiến cho giai điệu trong hát Trống quân Đức Bác giữ được nét mộc mạc, dân giã, dí dỏm và chứa chan tình cảm.

Ngoài những bài phổ biến, các chàng trai, cô gái trong khi diễn xướng còn tự sáng tạo các câu hát để đối đáp, so tài. Bên cạnh đó, hát trống quân Đức Bác còn là phương tiện để những người cao tuổi của làng, trong những dịp lễ hội hay hôn lễ, giáo dục con cháu đạo làm người, tình yêu quê hương đất nước; cũng qua những giai điệu âm nhạc cầu cúng mà chuyển lời thỉnh cầu tới thần linh, cầu những điều tốt đẹp đến với gia đình, xóm làng, mong quốc thái, dân an, mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt và cuộc sống ấm no hạnh phúc…

Theo các nhà nghiên cứu, nội dung các câu hát trống quân là kho sử liệu quý về lịch sử làng xã và là kho tàng tri thức về lịch sử, địa lý, văn hóa, phong vật quê hương… Qua đó góp phần làm giàu kho tàng văn học dân gian và nghệ thuật dân tộc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật của nhân dân.


Nghệ nhân Nguyễn Văn Phấn, xã Đức Bác, huyện Sông Lô truyền dạy điệu hát Trống quân cho các thế hệ trẻ

Xã Đức bác hiện nay có 7 câu lạc bộ hát trống quân, trong đó có một câu lạc bộ do xã quản lý, còn lại 6 câu lạc bộ của các thôn, tổng số hội viên hơn 200 người, tuổi đời từ mười tám đến ngoại lục tuần. Đã có 3 người được công nhận là Nghệ nhân dân gian hát trống quân. Để gìn giữ làn điệu trống quân Đức Bác cũng như tạo niềm đam mê cho thế hệ trẻ trong thôn, các câu lạc bộ thường tổ chức tập hát, dạy hát trống quân 2 ngày/tuần và đã có nhiều cháu theo học, tham gia câu lạc bộ. Vào những ngày lễ, Tết, thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn hát trống quân tại nhà văn hóa thôn hoặc tổ chức trên bãi sông của xã, qua đó, đã thu hút được nhiều người dân đến xem và cổ vũ.

Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát trống quân Đức Bác có giá trị lịch sử, văn hóa, thể hiện bản sắc của cộng đồng nên tháng 12 năm 2019,  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để tiếng hát trống quân mãi vang xa, huyện Sông Lô cùng Sở VHTTDL đã tiến hành xây dựng đề án nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy những giá trị của làn điệu hát trống quân Đức Bác.

KD – TTDL

Nguồn: Du lịch Vĩnh Phúc

Cùng chuyên mục