Dạo chơi phố cổ cùng xích lô
Thật sự, tham quan Hội An bằng xích lô là cơ hội để du khách chậm rãi cảm nhận một cách sâu sắc nhịp sống bình yên của cư dân thành phố thương cảng cổ xưa này. Đi xích lô từ bên ngoài khu trung tâm phố cổ đổ xuống ngã năm chợ Hội An thăm Chùa Ông, ghé qua Phước Kiến Hội Quán của người Hoa, thong thả theo đường Trần Phú lên Cầu Nhật Bản rồi xuôi về bờ Sông Hoài, bạn đã có thể cảm nhận những sắc màu văn hóa của cư dân Việt, Hoa, Nhật hòa lẫn trong sắc áo, lời nói và cả trên những đôi mắt cửa của hàng trăm ngôi nhà rêu phong, cổ kính.
Cảm giác thật gần gũi khi đường phố hẹp đến mức đưa tay là chạm tới nhau và có thể nghe được tiếng nói của những người hàng xóm trò chuyện trên ban công nhà đối diện. Nếu để ý, vài chùm dây leo phủ kín một góc nào đó trên mái ngói âm dương sẽ cho bạn những suy nghĩ xa xăm với câu chuyện của quá khứ được kể một cách kín đáo bởi những sắc màu.
“Du lịch Hội An không có xích lô thì như thiếu đi những yếu tố động cần thiết trong một không gian tĩnh. Vì thế, xích lô Hội An là một trong những sản phẩm du lịch đặc biệt, riêng có ở phố cổ”. Anh Nguyễn Trường Tâm - nhân viên của Hương Giang Travel - Huế khẳng định.
Ngồi xích lô qua Cầu An Hội, vào khu công viên vườn tượng nhìn về phố cổ, bạn sẽ thấy mọi thứ trên đời đều cần một khoảng cách để tiếp nhận như những cây cột gỗ đứng cách xa nhau làm nên sự vững chắc, trường tồn cho những ngôi nhà qua mấy trăm năm thường xuyên bị lũ lụt và mưa bão. Thật may mắn khi được ngồi xích lô trên đường Bạch Đằng vào mỗi buổi chiều hè, thủy triều lên xuống dường như đồng điệu với sự hưng thịnh của phố phường. Phải hoàn toàn tỉnh táo nếu không bạn sẽ giật mình với tiếng chuông xích lô xin đường leo dốc. Vô cùng ý vị khi một người yêu Hội An đã từng viết rằng: “Bầu trời rộng và những ngôi nhà thấp, Phố thò chân nghịch nước bờ sông...”
Giữ thật nhiều cảm xúc bị nén lại khi dạo quanh phố, xích lô sẽ đưa bạn qua cầu Cẩm Nam hoặc xuôi về Cửa Đại, ngược lên Thanh Hà, băng ra Trà Quế… để hít thở không khí trong lành của những ngôi làng được gây dựng bằng sự lao nhọc của những con người bình dị và tự nhiên như bãi ngô, đồng lúa, sóng biển… lao xao trong gió. Thử đổi vị trí, bạn đạp xe chở người phu xích lô thả dốc Công Binh về Cẩm Châu, Cẩm Thanh, Cẩm An thăm những ngôi làng cổ gắn liền với đời sống của cư dân sông nước như làng cá Võng Nhi, làng chài lưới trên sông Thanh Nam, làng yến Thanh Châu, làng hoa An Mỹ…
Chủ xe xích lô số 37 nói rằng cả nghiệp đoàn chỉ có 101 chiếc không hơn, muốn được một “chân” trong đội thì tiền chuyển nhượng cũng vài chục triệu, nhưng mấy năm qua có ai chuyển đâu, chỉ có anh em thân thuộc trong gia đình mới nhường cho phần trách nhiệm đạp xe quanh phố cổ. Có lẽ, cả nước chỉ có mỗi Nghiệp đoàn Xích lô Hội An là tổ chức phát động xây dựng Nghiệp đoàn xích lô văn hóa với nội quy chặt chẽ. Bạn không thể tưởng được rằng mỗi người đạp xe như vậy phải tuân thủ không dưới 20 điều khoản bắt buộc nhằm thực hiện văn minh đô thị, văn minh du lịch. Tất cả xích lô đều được chia phiên thứ, địa điểm đậu đổ, trong giờ làm việc tuyệt đối không sử dụng rượu, bia và mỗi người phải giao tiếp tốt 1 ngoại ngữ. Giá tour cũng được quy định rõ ràng mỗi giờ 50.000 đồng, thành viên nào tự ý nâng giá hoặc vi phạm nội quy của đội sẽ bị phạt tiền nộp vào công quỹ và bị cắt phiên thứ từ 5 đến 10 ngày.
“Đạp xích lô cũng được đi tham quan, du lịch các tỉnh phía Bắc thì sướng quá trời. Buồn vui trong cuộc sống, con cái học hành cũng được anh em quan tâm giúp đỡ. Làm du lịch phải thật sự văn hóa, thật sự khác biệt mới sống được chứ!”- Người chủ chiếc xích lô số 37 tỏ vẻ vui sướng khi nói về chuyện này.