Hoạt động của ngành

Hội thảo “Phát huy giá trị di sản văn hóa làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch”

Cập nhật: 07/10/2010 08:30:28
Số lần đọc: 4389
Ngày 4/10/2010 tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch và UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Phát huy giá trị di sản văn hóa làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch”. Phó Tổng cục trưởng TCDL Hoàng Thị Điệp, Phó giám đốc sở VHTTTDL Hà Nội Mai Tiến Dũng và Vụ trưởng vụ Lữ hành (TCDL) Vũ Thế Bình đã chủ trì hội thảo.

Tham gia sự kiện này còn có đại diện của Tổ chức Du lịch thế giới, Hiệp hội du lịch Châu Á Thái Bình Dương, tổ chức JICA – Nhật Bản, tổ chức SNV- Hà Lan, cùng các đoàn đại biểu quốc tế đại diện cho cơ quan du lịch quốc gia đến từ Lào, Thái Lan, Myanmar, Singapo, Malaysia, Nhật Bản, Cuba,... Các đại biểu trong nước đại diện cho một số sở VHTTDL trên toàn quốc, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực du lịch,...

Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam trong tương lai. Di sản văn hóa và làng nghề truyền thống là nơi lưu giữ và thể hiện đặc điểm văn hóa của một quốc gia, là yếu tố cơ bản để thu hút khách du lịch. Việt Nam đã được UNESCO tôn vinh 4 di sản văn hóa và 2 di sản thiên nhiên là di sản thế giới: Quần thể di tích kiến trúc Huế, Hoàng thành Thăng Long, Khu phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long và 4 di sản văn hóa phi vật thể: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh và Ca trù. Hiện nay, các di sản mặc dù đã được chú trọng đầu tư để phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch, nhưng so với tiềm năng thì việc khai thác chưa đạt hiệu quả cao. Trừ một vài nơi như Hội An, Mỹ Sơn, Hạ Long có Ban Quản lý đủ mạnh để triển khai việc trùng tu, bảo tồn di sản và phát triển du lịch, còn tại địa phương khác, công tác quản lý còn chồng chéo, không thống nhất dẫn đến không có người chịu trách nhiệm cụ thể. Nhiều di sản có giá trị nhưng chưa biết kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và khai thác nên đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều làng nghề truyền thống bị mai một, chưa được khôi phục và phát triển do chưa biết gắn kết với phát triển du lịch. Đây chính là một số thực trạng khai thác các di sản văn hóa và làng nghề truyền thống đối với phát triển du lịch tại Việt Nam được ông Vũ Thế Bình nêu ra trong báo cáo đề dẫn hội thảo.

11 bài tham luận của tổ chức quốc tế và của các đại biểu trong nước hầu hết đều khẳng định Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú. Ở Việt Nam, hoạt động du lịch gắn kết rõ nét và sâu sắc với di sản văn hóa. Các di sản văn hóa lớn có tác động cuốn hút, hấp dẫn lượng khách đáng kể đến tham quan, thưởng ngoạn. Thu nhập từ du lịch đã trở thành một trong những nguồn thu chính của hoạt động kinh tế tại địa phương có các di sản văn hóa được thế giới công nhận và những nơi có làng nghề truyền thống nổi tiếng. Tuy nhiên các nguồn tài nguyên này hiện nay không được khai thác hiệu quả trong bối cảnh phát triển kinh tế, và thậm chí có cả trường hợp các nguồn tài nguyên đang phải đối mặt với nguy cơ biến mất hoàn toàn do quản lý không phù hợp.

Các kiến nghị và giải pháp được đưa ra qua các tham luận chú trọng vào việc nâng cao nhận thức cho chính quyền và nhân dân địa phương về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, làng nghề phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch phải gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa; tập trung đầu tư hạ tầng từ các nguồn vốn khác nhau; đa dạng hóa và khác biệt hóa sản phẩm thủ công truyền thống để hấp dẫn khách du lịch; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, hướng nghiệp cho nhân dân để phát huy giá trị di sản văn hóa làng nghề; phối hợp chặt chẽ giữa ngành Du lịch với các ngành liên quan trong việc đề xuất chủ trương chính sách phát triển du lịch văn hóa; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực quốc tế nhằm thu hút sự giúp đỡ về nhân lực, kinh nghiệm chuyên môn và tài chính để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Phát biểu tổng kết hội thảo, bà Hoàng Thị Điệp đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết nhằm khai thác các giá trị di sản văn hóa, làng nghề trong việc phát triển du lịch Việt Nam. Sau hội thảo, Ban tổ chức sẽ xem xét, bổ sung những kiến nghị hữu ích đưa vào Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Nguồn: Trung tâm Thông tin Du lịch

Cùng chuyên mục