Độc đáo tranh lông gà nơi phố cổ Hội An
Từ nhỏ, chàng trai Đinh Ngọc Đạt đã có tài lẻ là cắt chữ và xé giấy vụn rồi ghép thành tranh. Năm 16 tuổi, để làm quà kỷ niệm một người bạn, anh nảy ra ý định làm một bức tranh nhỏ nhưng thật độc đáo, hoàn toàn bằng …lông gà. Anh ra chợ gà sát nhà xin lông gà, thậm chí, còn theo người mua gà về đến tận nhà để xin cho được bộ lông sặc sỡ của con gà trống. Anh mang lông về làm sạch, cắt gọn và dán. Anh nhớ lại: “Bức tranh “Chùa Cầu” làm bằng lông gà được hình thành trên tờ giấy học sinh để tặng bạn. Chữ ký nguệch ngoạc dưới góc bức tranh, kèm theo một cái tên Đinh Ngọc Đạt. Cũng từ đó đến nay, cái tên này trở thành bút danh của tôi”. Với anh, bức tranh độc đáo khổ nhỏ ấy không chỉ để nhớ tới người bạn thân thuở thiếu thời mà còn cuốn hút niềm đam mê hội họa của mình.
Đến khi là chiến sĩ đồ bản (vẽ bản đồ địa hình) của Lữ 173 và sau là Tiểu đoàn 1 tại Quảng Nam-Đà Nẵng từ những năm 1979-1984, Đinh Ngọc Đạt bắt đầu sáng tác tranh lông gà khổ lớn cho đến nay. Khi xuất ngũ trở về, bạn bè động viên anh làm tranh bán cho khách du lịch. Anh mạnh dạn đặt nhờ tranh lông gà tại một khu nhà cổ ở thị xã Hội An. Anh còn nhớ, tiền bán tranh khi ấy cũng gom góp được kha khá, đủ cho việc chi tiêu trong gia đình.
Đinh Ngọc Đạt cho rằng, chọn lông gà làm chất liệu cho tranh bởi lông gà có màu sắc tự nhiên, đa dạng, tuy nhiên phải là lông gà trống ta. Lông gà trống ta có mầu nâu, vàng đậm hoặc nhạt với nhiều sắc độ khác nhau, đen pha chút xanh lam. Đó là những tông mầu gần gũi với kiểu nhà gỗ cổ kính, những bức tường rêu phong của quê hương Hội An.
Trải nghiệm làm tranh lông gà, anh thấy “thấm” từ những lần thất bại khi đi thu thập lông gà, khi ghép tranh. Anh cho biết, hoàn thiện một bức tranh bằng lông gà tốn nhiều thời gian, rất kỳ công và đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẩn. Muốn có bộ lông gà trống có mầu sắc đẹp, phải lấy lông trước khi làm thịt gà, bởi nếu gà chết thì bộ lông bị đổi mầu, biến dạng, không còn tự nhiên. Sau đó, phơi khô rồi lựa chọn lông gà, chia chúng ra nhiều loại cỡ, mầu sắc khác nhau để phù hợp cho gam mầu của mỗi bức tranh. Các bức tranh hiện nay của anh đều được lấy từ kho hàng nguyên liệu lông gà mà anh thu mua, phân loai kỹ lưỡng từ cách đây chục năm. Anh Đạt tâm sự, nguyên liệu lông gà này bảo đảm chất lượng vì đều được biết rõ nguồn gốc.
Sau bản phác thảo bằng bút chì, công đoạn quan trọng nhất và làm nên thành công của bức tranh bằng lông gà là dán những chiếc lông gà theo đường phác thảo ấy lên trên tấm giấy bìa cứng. Hồ được dùng để dán cho thuận lợi thay vì dùng bột sắn làm chất kết dính như trước đây. Những bức tranh mà sáng tác cách đây 20 năm đến nay vẫn không phai màu, không rơi rụng vì được bảo vệ bằng lớp kính trong suốt và khung làm bằng gỗ tự nhiên.
Tranh lông gà của Đinh Ngọc Đạt có chủ đề về chân dung và cuộc sống. Nhìn tranh của anh mới thấy một tình yêu sâu nặng với quê hương bởi phần lớn các bức tranh gắn liền với con người, phố cổ và không gian Hội An. Từ những bức trừu tượng như Vũ nữ Apsara, Mẹ bồng con, hòn vọng phu, phố cổ cho đến những bức tả thực như ông già, thiếu nữ, xóm dừa, chùa Cầu, gà chọi, con mèo, chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… Chất liệu lông gà trống trên nền giấy dưới sự phối mầu tinh tế của người họa sĩ dường như làm cho các bức tranh dù ở bất cứ chủ đề nào cũng tạo nên sự bình dị, mộc mạc, có phần sống động.
Họa sĩ Đinh Ngọc Đạt cho biết: “Chỉ mất vài ngày hoặc hai tuần để cắt dán và hoàn thiện một bức tranh nhưng có khi phải mất đến cả tháng để có ý tưởng”. Mỗi bức tranh thường dùng hết 10 gói lông gà trống. Có bức tranh anh phải làm đi, làm lại tới vài lần toàn bộ hoặc một phần của bức tranh. Anh phải dành thời gian cho việc chọn lông gà bố trí từng mảng mầu ưng ý. Theo anh, mầu sắc của lông gà đặt ở đường nét thích hợp luôn tạo điểm nhấn cho bức tranh.
Đinh Ngọc Đạt gắn bó với loại tranh lông gà từ hơn 30 năm nay, người họa sĩ 48 tuổi này vẫn miệt mài sáng tác, tâm huyết với những ý tưởng bình dị với mong muốn góp phần mang lại điều mới mẻ, lạ mắt cho diện mạo nghệ thuật vốn đã phong phú, đa dạng của Di sản thế giới Hội An.
Các tác phẩm tranh lông gà của Đinh Ngọc Đạt từng được trưng bày tại một vài cuộc triển lãm và gây nhiều ấn tượng cho khách tham quan.