Hát trống quân: Lối hát giao duyên ở vùng đồng bằng Bắc Bộ
Hát trống quân xưa phổ biến rộng rãi khắp vùng. Người hát trống quân nổi tiếng là cụ Vũ Đình Xuyến ở Hiệp Cường - Kim Động.
Hội điểm hát trống quân lâu bền nhất là các làng thuộc huyện Ân Thi, Khoái Châu, Văn Giang: Trai làng Xuân Cầu với gái làng Khúc Lộng (Văn Giang); trai làng Tào xã Thúc Kháng (Hải Dương) với gái làng Đào Quạt xã Bãi Sậy huyện Ân Thi; hát trống quân xã Dạ Trạch (Khoái Châu).
Hàng năm, cứ vào dịp mùa thu, Tào Khê và Đào Xá lại mở hội hát trống quân từ chập tối tới quá nửa đêm và kéo dài hết tuần trăng. Ngày hội, dân hai bên bờ sông nườm nượp kéo về đình Đào Quạt, về đê Tào Khê để hát, “xui hát”, nghe hát. Nơi đây ngày xưa là quê của Bà chúa hát, là quê của cố thi sĩ Phạm Huy Thông. Diễn tiến của “canh” hát trống quân gồm có: hát gọi, hát đáp, hát chào, hát mời trầu, hát giao hẹn đến hát ướm, hát thách và cuối cùng là hát hoa, hát đối đáp…
Dưới đây là đoạn hát đối đáp của hội trống quân Đào - Tào.
Nam (Hỏi) Những mong hiểu rộng biết dài
Hỏi thăm bên đó có ai chung tình?
Nữ (Đáp) Xinh xinh cái nấm trúc xinh
Đệ nhất chung tình có Chử Đồng Tử - Tiên Dung.
Nữ (Hỏi) Hai bờ chung một dòng sông
Hào kiệt anh hùng bên ấy là ai?
Đệ nhất ai tài là Tiết chế Hưng Đạo Vương.
Cứ như vậy, hỏi và đáp về danh thắng, danh nhân của mỗi quê. Canh hát kết thúc bằng những câu hai bên hò hẹn tối mai lại hát tiếp.
Giống như dân ca quan họ, có thời trống quân được ưa thích như hát chèo. Hát trống quân cần được bảo tồn trong cuộc sống hôm nay.