Đặc sản của người La Chí ở Lào Cai
Là dân tộc có dân số ít (chỉ có 550 người), nhưng cộng đồng người La Chí có nhiều nét văn hoá độc đáo thể hiện trong tín ngưỡng thờ cúng của dân tộc. Trong đó, sừng trâu là biểu tượng thiêng liêng được đặt trên bàn thờ của các gia đình trong cộng đồng.
Đối với người La Chí, con trâu không chỉ được dùng để kéo cày phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn được dùng để làm vật hiến tế trong các nghi lễ cúng và thịt trâu là món ăn tâm linh rất được ưa chuộng. Sau khi dâng tế, người La Chí dùng sừng trâu làm vật dụng phục vụ tín ngưỡng tâm linh của dân tộc và chế biến thịt trâu thành nhiều món ăn độc đáo khác nhau. Khi mổ trâu xong, sừng trâu được đẽo gọt cẩn thận, đặt lên gác bếp hong khói khô ruột bên trong, rồi cọ rửa sạch để làm ống rót rượu uống trong lễ cúng. Điều đặc biệt, chỉ riêng nam giới mới được dùng sừng trâu để uống, đó là tục lệ uống rượu sừng trâu trong lễ cúng cộng đồng (rằm tháng Bảy), mỗi gia đình cử đại diện một người mang lễ đến nhà Pô mìa nhu để làm lễ cúng tổ tiên của gia đình, trong đó không thể thiếu rượu sừng trâu. Trong lễ cúng lập bàn thờ, đầu trâu được lọc hết da, thịt thì đem hong khô trên gác bếp để treo lên bàn thờ trong nghi lễ lập bàn thờ cho nam giới trong gia đình (chỉ những người đã có vợ). Trong lễ cúng rằm, nếu năm đó gia đình có người chết, thì sọ trâu mổ cúng được chủ nhà mang lên treo ở nhà cúng tổ tiên để gọi hồn người chết về ăn rằm, nhận lễ đầu trâu.
Trong ngày lễ, thịt trâu được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Trong đó, xương sống được người La Chí chặt thành từng miếng nhỏ rồi cho vào chảo ninh nhừ, sau đó thái củ chuối rừng thành từng lát cho vào chảo xương đang sôi, đun đến khi nào củ chuối chín tới thì xúc ra bát để bày cỗ. Đối với xương sườn, người ta tách từng rẻ, rồi chặt thành từng miếng nhỏ vuông vắn, cho mỡ vào chảo xào chín thịt, sau đó lấy thân chuối thái lát ngang cho vào chảo xào với xương sườn, khi chín nêm muối, mì chính thành món ăn hấp dẫn trong các dịp lễ. Ngoài ra, thịt trâu muối là món ăn quanh năm của người La Chí. Thịt trâu được cắt thành từng miếng dài, dày, sau đó trộn muối thật mặn, xếp từng miếng, ấn chặt vào trong hũ và đậy kín miệng hũ. Khoảng 3 tháng sau lấy ra ăn, người ta sao gạo nếp chín rồi đem xay thành bột để trộn vào thịt muối, cho ít dấm chua để thịt trâu vừa có vị mặn, vừa có vị chua và vị bùi. Món thịt muối này có thể bảo quản được 3 đến 4 năm, để gia đình bỏ ra ăn mỗi khi có khách đến nhà.
Phần da trâu được lọc riêng, cắt thành từng miếng hình chữ nhật có độ dài khoảng 60 cm, rộng 20 cm, sau đó lấy cây tre vót thành từng đoạn cắm chéo vào 2 đầu da trâu thành từng miếng sao cho thật căng rồi đem thui cháy hết lông, cạo cho miếng da vàng ươm, gác lên gác bếp để bảo quản, ăn dần trong năm. Khi ăn, người ta tháo 2 đoạn tre ra, vùi trong than nóng, bỏ ra đập dập, rồi xé ăn. Ngoài ra, da trâu cũng là một món xào rất ngon miệng, ngâm nước nóng cho da trâu mềm rồi cọ thật sạch, sau đó thái miếng nhỏ, cho mỡ vào chảo đun nóng, thả vào chảo xào chín, cho thêm lá tỏi tươi, nêm gia vị vừa đủ, bắc ra ăn nóng.
Những món ăn từ thịt trâu của người La Chí không chỉ thể hiện nét độc đáo trong văn hoá ẩm thực mà còn là những món ăn mang đậm tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng, thể hiện sự hiếu thảo của con cháu đối với những người đã khuất. Tế trâu trong lễ cúng để cầu may mắn, sức khỏe và mùa màng tươi tốt./.