Chuông gió (Furin) từng được coi là cách “làm mát” tinh thần khỏi cái oi bức của mùa hè khi mà quạt điện và máy điều hòa không khí chưa phổ biến. Người Nhật Bản thường treo những chiếc chuông trước hiên nhà, bên cửa sổ và trên những cành cây trong lối đi vào nhà.
Lâu dần, âm thanh trong trẻo của chuông gió trở thành biểu tượng không thể thiếu của mùa hè, không chỉ báo hiệu sự lướt qua nhẹ nhàng của những làn gió mát, mà còn mang thông điệp của thế giới tự nhiên bên ngoài đến với mọi nhà.
Có nguồn gốc từ Ấn Độ, cùng với đạo Phật, những chiếc chuông gió được du nhập vào Nhật Bản khoảng thế kỷ XII. Chúng mang đặc điểm rất riêng và là một sản phẩm văn hóa truyền thống của người dân xứ sở Phù Tang. Điểm khiến những chiếc chuông gió khác biệt là chúng không chỉ được làm bằng kim loại, gốm, sứ... mà còn được làm bằng thủy tinh trong suốt. Chuông gió thủy tinh được chế tác thủ công lần đầu tiên vào cuối thời kỳ Edo (1603-1867) khi kỹ thuật làm thủy tinh được truyền bá từ Nagasaki đến thành phố Edo (Tokyo ngày nay). Sau khi ra đời không lâu, những chiếc chuông thủy tinh có mặt ở mọi ngõ ngách thành phố, “ca” lên những âm thanh trong trẻo rất đỗi quen thuộc đối với người dân nơi đây cho đến tận ngày nay và từ đó chuông gió được gắn với cái tên Edo. Thời kỳ hoàng kim của chuông gió Edo là vào thời đại Meiji (1868-1912) khi nó xuất hiện trên toàn đất nước mặt trời mọc.Chuông gió thủy tinh Nhật Bản thường có hình tròn như những trái lựu to được trang trí với nhiều mắc sắc khác nhau như đỏ, xanh lục, vàng, xanh lam, trắng... Mỗi màu sắc đều mang một ý nghĩa riêng theo chủ ý của người chế tác hoặc người tặng. Chẳng hạn như, màu đỏ tượng trưng cho mặt trời sáng soi, xua đuổi tà ma. Màu xanh lam tượng trưng cho trời và biển, hai môi trường mà con người trên thế giới không thể thiếu. Màu xanh lục đại diện cho cây cối mang lại không khí trong lành và có nghĩa là sức khỏe, không bị ốm đau. Còn màu vàng là hình ảnh của mùa thu Nhật Bản với những cánh đồng lúa chín trĩu hạt vàng óng. Nếu bạn sở hữu furin màu vàng bạn sẽ không phải lo lắng về tài chính bởi lúa gạo là biểu trưng của tiền bạc. Quả chuông màu trắng hiện thân của màu áo cưới tinh khôi và là biểu tượng của may mắn... Ngoài ra, còn có rất nhiều cách trang trí trên chiếc Furin trong suốt như hoa anh đào, chim hạc, cá vàng... Một số chiếc chuông được gắn mảnh giấy nhỏ ghi những điều ước hoặc lời cầu nguyện (tansaku), nhờ gió gửi đi mỗi khi chuông reo.
Ngày nay, không còn thợ thủ công chế tạo những chiếc chuông gió thủy tinh Edo nữa ngoài nghệ nhân nổi tiếng Yoshiharu Shinohara. Hiện, ông đang truyền nghề lại cho người con trai cả của mình và nỗ lực “giữ lửa” nghề gia truyền bởi những chiếc chuông gió Edo “chính hiệu” phải là chiếc chuông được chế tác hoàn toàn thủ công từ công đoạn nung, thổi tạo hình và được vẽ các họa tiết từ trong lòng chiếc chuông. Chúng có vẻ đẹp và âm thanh tinh tế khác xa với những chiếc chuông công nghiệp khác. Ngoài ra, để giữ gìn nét văn hóa truyền thống này, người Nhật hàng năm tổ chức một “phiên” chợ đặc biệt với một mặt hàng duy nhất đó là những chiếc chuông gió vào tháng 7. Giá mỗi chiếc chuông gió khoảng 300 - 3000 yên tùy theo từng loại. Phiên chợ, “họp” tại ngôi đền Kawasaki Daishi thuộc vùng ngoại ô phía Tây Nam, Nhật Bản, bày bán hàng chục nghìn chiếc chuông gió với hàng trăm kiểu dáng khác nhau của 47 tỉnh từ Hokkaido ở phía Bắc đến Okinawa ở phía Nam để chào đón những cơn gió mùa hè mát lành.