Non nước Việt Nam

Phong tục tập quán ăn tết của người Tày Đen vùng cao Hà Giang

Cập nhật: 24/01/2011 15:01:51
Số lần đọc: 2531
Người Tày Đen sống quần cư ở vùng cao núi đất phía Tây thành phố Hà Giang. Tập trung ở một số xã ở huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần. Người Tày Đen đến nay còn  nguyên bản sắc dân tộc truyền thống như trang phục nam, nữ và các phong tục tập quán trong các ngày lễ tết, ma chay cưới xin phong cách ẩm thực và các món ăn truyền thống dân tộc.

Tập quán ăn tết của người Tày  Đen có những nét tương đồng với dân tộc khác, xong có những nét mang đặc trưng riêng.

 

Người Tày đen quan niệm một năm làm lụng vất vả ngày tết là ngày mọi người đến chơi thăm hỏi nhau cùng nhau chung vui trong những ngày tết. Gia đình nào cũng phải có một con lợn ăn tết, từ 15 tháng Chạp xem ngày phù hợp với gia đình thì mổ lợn mời anh em trong gia đình và trong bản đến cùng mổ lợn cùng chung vui  một bữa rượu mừng trước ngày tết đến.

 

Ngày mổ lợn, người đàn ông chủ của gia đình thắp hương lên bà thờ báo với tổ tiên là: Nhờ công lao của tổ tiên phù hộ, gia đình con cháu nuôi được lợn béo hôm nay mổ lợn cúng tổ tiên,  mời tổ tiên về ăn tết phù hộ cho con cháu sang năm mới nuôi được lợn to, trâu bò mạnh khỏe, con cháu mạnh khỏe. Người và gia súc không bị bệnh dịch, trồng cây gì cây ấy lên xanh tốt, làm ăn may nắm mùa màng bội thu. Sau đó cắt tiết lợn, lấy giấy tiền âm (giấy bản đục lỗ là tiền xu của người âm) hứng để  tiền dính tiết lợn, và lấy một bát tiết lợn đặt lên bàn thờ trình với tổ tiên. Mổ lợn xong luộc thủ lợn, đuôi, nội tạng lợn nấu chín và cơm nếp đặt lên bàn thờ mời tổ tiên về ăn tết. Sau đó xẻ thịt từ xương sống xuống bụng theo dọc xương sườn, cứ hai ba  dẻ xương thành miếng thịt cho vào chảo to xát muối để hai ba ngày cho thịt  ra nước ngấm muối rồi treo từng miếng lên gác bếp làm thịt  hun khói ( nứ nạp) ăn dần trong năm hoặc mang biếu người thân. Thịt hun khói ( nứ nạp) chỉ tháng chạp mới làm được, các tháng khác làm không ngon và thịt hay bị hôi thối.

 

Mọi người đến chơi ăn thịt lợn tết, vừa ăn uống vừa hát Lướn đối đáp với nhau. người già hát với người già để mời rượu hoặc ca ngợi chúc nhau những lời tốt đẹp. Thanh niên nam nữ hát đối  đáp tỏ tình với nhau để tìm người yêu. Bữa cơm tết thường kéo dài từ trưa hôm trước đến ngày hôm sau.

 

Sau bữa cơm thịt lợn tết ấy, các dụng cụ lao động như: cày cuốc… được rửa sạch  mang cất gọn vào một góc bếp.

 

Ngày 30 tết nhà nào cũng gói bánh chưng. Bánh chưng ở giữa tròn hai đầu dẹt bắt cho góc cho bánh gù lưng buộc bằng bốn chiếc lạt. Bánh chưng có hai loại bánh đen và bánh trắng. Bánh đen được làm bắng gạo nếp giã với than cây Coong mạ. Vào tháng 9 tháng 10 âm lịch người ta chặt cành coong mạ để cho khô đốt lấy than đến tết mang ra cho gạo vào giã cùng,  gạo phủ lên một lớp bột than đen lấy gạo ấy gói bánh được gọi là bánh đen. Gạo nếp gói bánh là loại gạo hạt to tròn đều sàng xảy sạch không vo hay ngâm nước mà gói khô. Nhân bánh làm bằng thịt lợn thái miếng trộn với hạt thảo quả giã nhỏ, bánh để lâu không bị thiu. Khi vớt bánh buộc vào nhau treo lên  dàn không ngâm nước lã. Bánh có thể  ăn đến rằm tháng giêng. Sau năm sáu ngày khi ăn vùi  bánh vào tro nóng cho giòn lớp lá, bánh  bọc một lớp cháy vàng, ăn thơm bùi của gạo thịt và thảo quả. Do thịt ướp với thảo quả  dù bánh có để lâu ăn cũng không bị đau bụng.

 

Chiều ba mươi tết nhà nào cũng quét dọn bàn thờ, tỉa chân hương. Mổ một con gà thiến làm mâm cơm cúng tổ tiên. Bàn thờ được trang trí hai bên hai cây mía buộc lá kết vào nhau bằng  từng khoanh giấy đỏ, một cánh hoa đào nhỏ, một đĩa quả ngọt, chai rượu. Sau giao thừa bánh chín mang bánh lên bàn thờ đặt hai bên mỗi bên ba chiếc. Khi cúng đặt mâm cơm cúng lên bàn thờ.

 

Đêm 30 tết mọi người trong gia đình đều thức đón thời khắc giao thừa, chờ gà gáy, người ta quan niệm ai thức trước gà sẽ thông minh sáng dạ  nhanh nhẹn, biết tính toán làm ăn no đủ. Do đó ai cũng muốn đón những điều tốt lành ngay từ giờ phút bắt đầu của năm mới. Giao thừa nhà nào cũng mang ống đi lấy nước mới. Khi đi lấy nước, mang theo 3 nén hương đến cắm bên cạnh máng nước nói với thần nước xin nước mới. Khi lấy nước về đến nhà đun ngay một ấm nước pha chè đặt lên bàn thờ mời tổ tiên uống nước. Sau đó cắt giấy đỏ dán vào cửa nhà, chuống trâu, bò, lợn, gà và dán vào các nông cụ sản xuất, và đeo bánh chưng cho vào chỗ nông cụ sản xuất.

 

Bốn, năm giờ sáng ngày mồng một tết, chủ nhà nấu một nồi chè (thường là gạo nếp trắng và đường) đặt lên bàn thờ tổ tiên. Sau đó đun một nồi nước hoa đào để mọi người trong gia đình rửa mặt, xúc miệng. Mọi người trong nhà mặc quần áo mới ( áo tết). Bữa ăn đầu tiên năm mới vào sáng mồng một tết là ăn cháo chè, hoặc bánh trôi. Kiêng ăn thịt lợn hoặc mổ gà vào sáng mồng một tết. Theo quan niệm ăn cháo chè hay bánh ngọt có màu trắng là thanh tịnh ngọt ngào đón năm mới với cầu mong mọi điều tốt lành. Sau đó cho trâu bò ăn bánh chưng, trâu bò ăn tết.

 

Ăn bữa sáng xong mọi người đi chơi tết, trước hết là con cháu đến nhà ông bà nội, câu chúc đầu tiên là: “Đửn phá pi mưở pủ già dủ đẩy” Năm mới chúc ông bà mạnh khỏe. Con cháu đến tự làm cơm, ăn tết cùng ông bà nội. Sau đó mới đến chơi các nhà trong bản, đi chơi tết cũng là đi mời ông bà, anh em trong họ, trong bản đến nhà mình ăn bữa cơm đầu năm mới. Thanh niêm nam nữ tụ tập nhau đi chơi tết, tham gia các hoạt động vui chơi như đánh yến, ném còn, đánh sảng, bắn nỏ kéo co. Sau đó kéo nhau đến chơi ở các gia đình bạn bè uống rượu và hát lướn trong suốt mấy ngày tết. Gia đình có người đến chơi tết rất vui họ mời khách uống rượu ăn bánh chưng và thức ăn là thịt lợn thịt gà từ mổ từ hôm trước.

 

Ngày mồng hai là ngày ăn tết đầu năm. Từ lúc gà gáy mọi người lớn trong gia đình đều thức dậy mổ gà. Khi làm thịt gà, rửa chân và đầu gà mang đến trước bàn thờ hai tay ôm gà ngay ngắn lễ bàn thờ ba lễ khấn tổ tiên rồi cắt tiết. Lấy giấy tiền hứng tiết đặt lên bàn thờ, tiết gà cũng đặt lên bàn thờ mời tổ tiên về ăn mừng ngày đầu năm. Cúng tổ tiên xong cỗ tết được bày ra: Cỗ tết phải đủ mười hai món tượng trưng cho mười hai tháng trong năm. Mân cỗ được sắp xếp theo thứ tự: Ông bà cha mẹ chú bác ngồi mâm gần bàn thờ nơi trang trọng nhất, sau đó đến các con cháu. Nam ngồi với nam, nữ ngồi với nữ. Chủ nhà mời mọi người  ăn tết. Con cháu rót rượu ra chén đặt vào đĩa quỳ dâng hai tay mời ông bà cha mẹ. Sau đó lễ ( nẫy)  ba lần, cha mẹ, ông bà, người trên uống rượu. Khi ông bà, cha mẹ uống rượu ăn một miếng thịt thì tất cả con cháu, và khách mới được ăn.  Trong bữa cơm tết con cháu lần lượt quỳ lậy ông bà cha mẹ người trên  mời rượu. Mỗi lần con cháu nẫy, ông bà hoặc người bậc trên uống một chén rượu và chúc lại con cháu những lời  tốt đẹp động viên con cháu ngày đầu xuân năm mới. Mừng tuổi cho người già, trẻ con đến nhà chơi là vài nghìn hoặc đôi bánh trưng. Con cháu hát chúc mừng tuổi, ca tụng công ơn  ông bà cha mẹ, người trên thể hiện sự tôn kính  biết ơn của con cháu đối với ông bà, cha mẹ người trên. Ông bà cha mẹ cũng hát đối lại động viên con cháu có hiếu biết kính trọng thương yêu ông bà cha mẹ.

 

Thanh niên nam nữ hát đối với nhau, bên nào không  đáp lại được phải uống rượu. Bữa cơm tết diễn ra vui vẻ, tiếng hát, tiếng chúc mừng. Thức ăn nguội con cháu phục vụ đi nấu lại. thức ăn gần hết lại làm thêm, cuộc vui kéo dài  suốt ngày qua đêm đến hôm sau.

 

Chiều ngày mồng ba tết nhà nào cũng mổ gà làm mâm cơm tiễn tổ tiên trở về cõi âm, hóa vàng.  

 

Ngày mồng bốn tết thịt một con gà, miếng thịt lợn, cơm bánh trưng mang ra ruộng cúng thần linh, thần đất, thần nước. Chủ gia đình cuốc cày đầu năm để lấy ngày, đó là tục lệ khai xuân xuống đồng.

 

Sau ngày mồng bốn, vợ chồng con gái về chúc tết bố mẹ đẻ. Khi về vợ chồng con cái mang theo đôi gà, hai chai rượu, bánh giầy ( khẩu đẹc) đến tết ông bà ngoại. Ông bà ngoại mời anh em họ hàng, các gia đình trong bản đến ăn tết chung vui với gia đình bữa cơm vợ chồng con gái về nhà chúc tết bố mẹ vợ gọi là: “Nẫy tả”. Trong bữa cơm con gái con rể cháu ngoại phải lễ ( nẫy) ông bà ngoại, để tỏ lòng biết ơn sinh thành và mời rượu. Ông bà ngoại mừng tuổi cho con cháu vài nghìn hay bánh trưng và chúc phúc cho con cháu.  Bên nam bên nữ thông gia hai bên hát đối với nhau, cuộc vui kéo dài một hai ngày.

 

Trong mấy ngày tết, người đàn ông trong gia đình phải nấu cơm, cho trâu, cho lợn ăn. Người phụ nữ chăm sóc con cháu, người già, không phải làm việc nhà. Trong ba ngày tết kiêng không được mang cây xanh, kể cả rau xanh vào nhà. Rau ăn trong  ba ngày tết phải hái từ hôm 30 tháng chạp.

 

Ở bản có nhiều nhà, trong bốn ngày tết có gia đình chưa mời được anh em trong bản đến ăn tết với nhà mình thì họ sẽ tổ chức ăn tết vào những ngày sau. Do đó ăn tết thường kéo dài đến trung tuần tháng giêng.

 

Rằm tháng giêng, mọi nhà mổ gà, lại gói bánh trưng ăn tết vào ngày mười bốn. Lễ cúng rừng vào ngày ba mươi tháng hai. Hết ngày cấm của lễ cúng rừng, cúng thần nước thì mới hết tết.

 

Bản sắc văn hóa phong tục tập quán ngày tết của người Tày Đen  mang đậm nét nhân văn sâu sắc về đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình thân yêu đoàn kết thương quý giúp đỡ lần nhau. Tôn thờ tổ tiên, kính trọng ông bà cha mẹ, yêu thương con trẻ, tôn trọng phụ nữ. Và đối với vật nuôi cho đến nông cụ sản xuất cũng được nghỉ ngơi ăn tết.

Nguồn: Báo Biên Phòng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT