Non nước Việt Nam

Tết Nhảy – Nét văn hóa đặc sắc của người Dao đỏ

Cập nhật: 26/01/2011 09:01:00
Số lần đọc: 2424
Tết nhảy của người Dao đỏ được tổ chức vào khoảng ngày 1 – 2 Tết Nguyên đán. Trong những ngày này, lễ tết diễn ra ở nhà ông trưởng họ, do ba họ lớn của người Dao nơi đây (Tả Phìn) là Lý, Bàn, Triệu đứng ra tổ chức. Nghi lễ chính trong lễ tết này là các điệu nhảy do một tốp nam nữ (sài cỏ) trong làng thể hiện dưới sự hướng dẫn của thầy cả (chái peng pi).

Tết nhảy của người Dao đỏ (Lào Cai - Tả Phìn) chứa đựng nhiều giá trị văn hóa cổ.

Có rất nhiều điệu nhảy như: nhảy mở đường, nhảy bắc cầu đưa đón thần linh về dự tết, điệu nhảy mời tổ tiên, bố mẹ bằng một chân, đầu cúi thấp, ngón tay trỏ giơ cao; điệu nhảy mời tiên nương, tiểu nữ giáng trần được diễn tả bằng điệu múa cò (pè họ) mô phỏng cò bay; điệu múa mời tổ sư thầy cả về dự tết diễn tả kiểu đi của hổ (mùng hú)...


Mỗi điệu nhảy múa đều mang tính hình tượng cao, diễn tả cảnh các thiên thần, tổ tiên về hạ giới dự tết với con cháu. Sau nghi lễ nhảy múa là lễ rước và tắm tượng tổ tiên, kế đến là điệu nhảy dâng gà trống đỏ, gà trống vàng... Kết thúc là điệu múa cờ.


Nghi thức rước và tắm tượng
.


Tiếp theo sau nghi lễ chính, cả dòng họ làm lễ rước và tắm tượng tổ tiên. Tượng tổ tiên được làm bằng gỗ, cao khoảng 20 –25 cm, đường kính thân 5 cm. Tượng được chạm khắc đẹp với trang phục thời cổ xưa, ở bàn tay phải của các tượng đều cầm thẻ bài ghi rõ tên ông tổ. Ngày thường, tượng được bọc kín bằng vải trắng. Ngày tết được con cháu rước xuống làm lễ tắm gội, thay khăn choàng mới. Nước tắm là thứ nước thơm chế từ loại vỏ cây “sum mụ”.


Nhảy dâng gà
.


Sau lễ tắm gội cho tượng, con cháu lại tổ chức các điệu nhảy dâng gà. Thầy cả và 3 thanh niên tay cầm gà trống đỏ và vàng nhảy theo nhiều động tác dâng gà, có động tác rước gà trên đầu, có động tác “vác” gà qua hai vai, có động tác vừa múa vừa vặt đầu gà…


Kết thúc Tết nhảy của người Dao đỏ là điệu múa cờ.


Tết nhảy của người Dao đỏ (Lào Cai - Tả Phìn) chứa đựng nhiều giá trị văn hóa cổ, đâu đó vẫn còn phảng phất tín ngưỡng thờ gà làm vật tổ (Totem giáo), cầu mong sự bảo hộ và che chở của vật tổ cho sự phát triển và tồn tại của tộc người mình. Ngoài ra, lễ tết này còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong nghi thức thờ cúng tổ tiên (mời, rước và tắm tượng gỗ - hay lễ mộc dục).


Mùa xuân là mùa của sự giao hòa giữa trời và đất, mùa của những lễ hội vui tươi. Nếu yêu thích những lễ hội dân tộc, xin mời bạn hãy đến với xứ sở sương mù để tắm mình trong không khí lễ hội của Lào Cai quê mình
.

Nguồn: Website Viettravel

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT