Non nước Việt Nam

Bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số

Cập nhật: 27/01/2011 09:30:02
Số lần đọc: 2491
Mùa xuân là mùa lễ hội, hoa khoe sắc thắm khắp núi rừng và lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng nở rộ như hoa mùa xuân. Lễ hội đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trong cuộc sống hiện đại đang là vấn đề được các cấp chính quyền và đông đảo nhân dân quan tâm.

Từ xa xưa nhân dân ta đã tổ chức lễ hội, đó là nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu. Hiện nay cả nước ta có 7.966 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian chiếm 88%, phần lớn do cấp xã quản lý. Mỗi dân tộc có lễ hội riêng của mình gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lao động sản xuất. Lễ hội đã làm cho không khí các làng, bản, phum, sóc tưng bừng sống động, đồng bào các dân tộc phấn khởi nô nức tham gia các hoạt động văn hóa, nâng cao ý thức cộng đồng. Mặc dù có ý kiến cho rằng lễ hội tổ chức tràn lan, tốn kém, lãng phí thời gian, nhưng đến với lễ hội các dân tộc thiểu số, thấy chưa hẳn là thế. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai TS Trần Hữu Sơn cho biết: Người dân miền núi nghèo, nhưng tổ chức lễ hội đều phát huy nguồn lực của cả cộng đồng. Hằng năm các hộ gia đình trong thôn, bản có đăng ký lễ hội đều phân chia mỗi người đóng góp một ít kinh phí, lương thực, thực phẩm tham gia. Ở vùng người Mông, mỗi hộ gia đình mang cơm và thức ăn, rượu đến lễ hội, có nơi đóng tiền cả làng mua chung một con lợn làm lễ hội. Lễ hội ở miền núi không tốn kém về kinh phí, đồng thời cũng không tốn kém về thời gian, mỗi lễ hội chỉ tổ chức từ một đến ba ngày vào thời điểm nông nhàn. Vấn đề đáng quan tâm hơn cả là làm sao tổ chức tốt các lễ hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào các dân tộc. Quản lý như thế nào để những tinh hoa văn hóa của lễ hội được bộc lộ và xóa bỏ được những hủ tục lạc hậu, phát huy được yếu tố tích cực của lễ hội trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, bảo vệ an ninh, bảo vệ môi trường.

Thông qua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa năm 2000-2005 và 2006-2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ hơn 50 lễ hội dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh miền núi, tỉnh khó khăn. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn được cơ quan quản lý nhà nước thống nhất triển khai từ việc tổ chức điền dã, tiếp xúc với các nghệ nhân, già làng, trưởng bản ghi chép tư liệu, đến việc xây dựng diễn trình lễ hội bảo đảm tính trung thực của lễ hội truyền thống, đồng thời loại bỏ những hủ tục lạc hậu: đánh bạc, ăn uống dài ngày, nghi thức cúng tế huyền bí... Thông qua lễ hội, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được khơi dậy, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào. Ðã có nhiều lễ hội tiêu biểu của các dân tộc thiểu số đặc sắc, giàu sức sống thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn và du khách thập phương như các lễ hội: Gầu tào (dân tộc Mường), Lồng Tồng (dân tộc Tày), Nhảy lửa (dân tộc Pà Thẻn), Xên Bản, Xên Mường (dân tộc Thái), Oóc Om Bok (dân tộc Khmer Nam Bộ), lễ hội cồng chiêng các dân tộc ở Tây Nguyên... Lễ hội của các dân tộc thiểu số có đặc điểm chung là phần lễ đơn giản, phần hội lại hết sức náo nhiệt, sôi động. Lễ hội được tổ chức theo nghi lễ truyền thống và có nhiều trò chơi dân gian: kéo co, múa khèn của dân tộc Mông... Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội (1998), các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số được hướng dẫn tổ chức trang trọng theo truyền thống, nêu bật công đức danh nhân, những người có công với dân, với nước, đông thời khôi phục nhiều trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa thể thao các dân tộc.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, mở rộng giao lưu văn hóa và phát triển du lịch của nước ta, việc bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số có một ý nghĩa rất quan trọng. Một mặt góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Mặt khác nó trở thành yếu tố độc đáo có sức cuốn hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Thực hiện Chương trình hành động quốc gia về du lịch, ngành du lịch cũng đã chọn 15 lễ hội tiêu biểu của các vùng miền, các dân tộc trong đó có lễ hội xuống đồng (lễ hội Lồng Tồng) của dân tộc Tày, lễ hội Ka Tê của dân tộc Chăm, lễ hội Oóc Om bok của người Khmer Nam Bộ... để đầu tư, chuẩn hóa thông tin kịch bản với mục đích vừa bảo đảm tính khoa học trong công tác tổ chức đáp ứng yêu cầu của khách du lịch. Việc phục hồi và tổ chức lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi đã thu hút một lượng khách du lịch đáng kể, nhất là khách du lịch trong nước, làm thay đổi bộ mặt, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương.

Ðể thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số, trước hết, cần sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi cho lễ hội dân gian tồn tại và phát triển trong đời sống xã hội hiện nay bằng việc phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống... Từ đó, nhân dân có điều kiện giữ gìn, tham gia, phục hồi các lễ hội truyền thống. Quan tâm đầu tư chỉnh trang đường giao thông. Quan tâm lực lượng nghệ nhân, già làng, trưởng bản để khai thác vốn tài liệu về lễ hội truyền thống từ đời này sang đời khác. Phát triển du lịch gắn liền với lễ hội... Chính quyền các cấp và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ xây dựng các dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và hiểu biết của đồng bào về lễ hội, từ đó thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội.

Nguồn: NDĐT

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT