Non nước Việt Nam

Trảy hội đầu xuân ở Tuyên Quang

Cập nhật: 26/01/2011 09:50:37
Số lần đọc: 2692
Một mùa xuân mới lại về. Người ta thường chúc nhau những điều tốt đẹp nhất và cùng nhau trẩy hội cầu may. Đầu xuân, ở tỉnh Tuyên Quang diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia. Xin giới thiệu một số lễ hội tiêu biểu.

1. Lễ hội Lồng Tông

Lễ hội Lồng Tông hay còn gọi Lễ hội xuống đồng là lễ hội lớn nhất của người Tày. Lễ hội diễn ra vào đầu năm mới. Lễ hội có hai phần: Phần lễ cúng trời đất, các vị thần linh, lễ tịch điền đầu năm mới, phát lộc cho nhân dân; phần hội gồm tung còn, các trò chơi dân gian như: Đẩy gậy, kéo co, vật, bắn nỏ, đánh đu, đi cà kheo, chọi gà, chơi cờ tướng... Quan trọng nhất là hội tung còn. Cây còn biểu tượng cho văn hoá phồn thực (âm - dương), tung còn thể hiện ước muốn cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tốt tươi, nhà nhà no đủ, người người khoẻ mạnh.

Hiện nay, huyện Chiêm Hoá thường tổ chức Lễ hội Lồng Tông vào ngày mồng 8 tháng Giêng hàng năm tại sân vận động thị trấn Vĩnh Lộc. Có cả hội chọi trâu và cúng tế thần linh trên đền Bách Thần. Huyện Nà Hang tổ chức Lễ hội Lồng Tông vào 15 tháng Giêng tại xã Thượng Lâm, có cúng tế ở chùa Phúc Lâm Tự.

 
Thi mâm cỗ tại Lễ hội Lồng tông, xã Thượng Lâm, Nà Hang

2. Lễ hội Động Tiên

Huyện Hàm Yên thường tổ chức Lễ hội Động Tiên hàng năm vào ngày mồng 9 tháng Giêng tại Khu di tích danh thắng quốc gia Động Tiên thuộc xã Yên Phú. Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của đồng bào các dân tộc trong huyện. Phần lễ có lễ tế tại đình thành hoàng làng, rước lễ dâng hương Động Tiên và phát lộc cho du khách gần xa gặp nhiều may mắn. Ngoài thưởng ngoạn vẻ đẹp kỳ ảo của Động Tiên, du khách còn có thể tham gia trò chơi leo núi, xem thi đấu các trò chơi dân tộc thiểu số độc đáo, múa khèn Mông, vẽ tranh phong cảnh...

Tại Lễ hội Động Tiên, du khách còn được tham dự Hội chợ quê với những sản vật nổi tiếng của huyện như vịt Minh Hương, cam sành, bánh sừng bò, rau dớn nộm, thịt lợn muối chua, mật o­ng rừng, vải thổ cẩm. Trong khuôn khổ lễ hội còn có phần thi trâu khoẻ, trâu đẹp và những màn chọi trâu nảy lửa.

3. Lễ hội Đình Giếng Tanh

Hàng năm, cứ vào ngày 10 tháng Giêng, huyện Yên Sơn lại tổ chức Lễ hội đình Giếng Tanh tại xã Kim Phú. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc Cao Lan. Lễ chính ngày 10 tháng Giêng, các lễ phụ diễn ra rải rác trong năm. Phần lễ cúng thành hoàng làng, thần nông, thổ địa bày tỏ lòng biết ơn người có công thành lập làng và mong muốn thành hoàng làng, thần nông, thổ địa phù hộ cho dân làng khoẻ mạnh, mùa màng bội thu, mưa thuận, gió hoà. Phần hội có các trò chơi dân gian, múa hát, đặc biệt có thi khâu các quả còn, thi người đẹp Giếng Tanh.

4. Lễ hội Chùa Hang

Lễ hội chùa Hang (hay còn gọi là chùa Hương Nghiêm), xã An Khang (thành phố Tuyên Quang) tổ chức vào ngày 8 tháng Giêng hàng năm. Chùa Hang được xây dựng năm 1537 thời Mạc Đăng Doanh trong một hang núi đá. Chùa còn lưu giữ tấm bia cổ khắc trên vách đá, hai pho tượng Bồ tát bằng đồng, giá đọc văn tế, hương án, mâm đồng thời Nguyễn. Đây còn là nơi cất giấu, lắp ráp hai chiếc máy bay đầu tiên của không quân Việt Nam trước khi chuyển lên sân bay Soi Đúng, xã Vinh Quang (Chiêm Hoá). Chùa Hang đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Tại buổi chính lễ diễn ra lễ cầu an, cầu cho quốc thái, dân an và lễ rước nước. Phần hội có các trò chơi dân gian, các môn thể thao, dân ca, dân vũ.

5. Lễ hội rước Mẫu

Cứ vào ngày 11 đến 16 tháng 2 âm lịch hàng năm đều diễn ra Lễ hội rước Mẫu từ đền Thượng, xã Tràng Đà, đền Ỷ La, phường Ỷ La sang đền Hạ, phường Tân Quang (thành phố Tuyên Quang) và ngược lại. Tương truyền, các đền này đều thờ hai nàng công chúa con của vua Hùng. Đền Hạ thờ Phương Dung công chúa (người chị), đền Thượng thờ Ngọc Lân công chúa (người em). Khi bị giặc dã xâm lược, hai nàng công chúa trên được nhân dân chuyển lên chỗ gốc đa để thờ, rồi lập ra đền Ỷ La, do linh ứng dần dần phong thành Thánh Mẫu.

Bởi vậy, năm nào các đền cũng tổ chức lễ rước Mẫu, một nét tín ngưỡng rất riêng của người Thành Tuyên. Đoàn rước Mẫu rực rỡ sắc màu với đội múa lân, cờ, trống, phường nhạc đồng văn, phường bát âm dẫn đầu, tiếp sau là kiện nhang án, kiện bát cống, kiện võng, rồi các bô lão, đoàn thể và đoàn người trẩy hội.

 
Đua thuyền trên sông Lô.

6. Lễ hội đua thuyền trên sông Lô

Vào mồng 4 tết Nguyên đán hàng năm, thành phố Tuyên Quang tổ chức Lễ hội đua thuyền trên sông Lô. Lễ hội đã bị gián đoạn trên 20 năm, ngày đó gọi là giải bơi chài trên sông Lô, hình thức thi đấu 6 người, bơi bằng thuyền gỗ. Năm 2007, thành phố đã khôi phục lại lễ hội, đến nay có đủ 13 xã, phường tham gia. Các đội thi đấu bằng thuyền sắt với 26 vận động viên mỗi đội, với cự ly thi đấu 2,5 km. Lễ hội đua thuyền trên sông Lô thu hút rất đông du khách thập phương đến xem, cỗ vũ.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT