Múa Náp - "Đặc sản" văn hóa của Quảng Điền, Thừa Thiên Huế
Đánh thức múa cổ
Không ai biết chính xác múa Náp có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, từ ngày khai canh, lập làng Tân Mỹ (xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền), điệu múa này đã gắn bó với đời sống văn hóa tâm linh của người dân trong các dịp cúng tế, cầu ngư hay những lần đưa tiễn con dân của làng về với cõi vĩnh hằng. Nó như sự gửi gắm mong ước mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng cho những chuyến ra khơi; là lời chúc, nguyện cầu cho người ra đi được thanh thản. Theo Trưởng thôn Lê Minh, Náp là điệu múa dân gian truyền thống của nhiều địa phương ở Quảng Điền. Trước đây, hầu như làng nào cũng có đội Náp. Tuy nhiên, mỗi nơi lại có những nét độc đáo riêng.
Một thời gian dài, điệu múa này bị thất truyền ở Tân Mỹ. Năm 1994, các cụ cao niên trong làng đã thành lập đội múa, phục dựng, tập luyện để biểu diễn trong lễ khánh thành đình làng Tân Mỹ. Sau khi phục vụ cho ngày hội lớn của làng, đội múa lại tan rã. Thế nhưng, nét độc đáo của điệu múa dân gian này đã kịp hút hồn anh thanh niên trẻ Phan Đăng Khoa, lúc đó mới 25 tuổi. Đội múa không còn, mỗi khi làng có tang ma hay lễ hội, người dân Tân Mỹ phải đi cậy nhờ đội múa của các làng bên. Anh Khoa luôn trăn trở: “Tui cứ day dứt điệu múa này từng tồn tại ở Tân Mỹ, nhân lực của làng lại không thiếu, tại sao mình không thành lập được đội múa để bảo tồn vốn văn hóa của ông cha?”.
Năm 2002, anh Khoa mạnh dạn đề xuất ý kiến phục hồi múa Náp và được bà con trong thôn nhiệt tình hưởng ứng. 24 em trai trong độ tuổi từ 10-15 được huy động vào đội múa của làng (trong đó có 4 em dự bị). Anh Khoa trở thành “ông bầu” kiêm luôn vị trí ông Cai của đội múa. Bước đầu thành lập, đội múa gặp không ít khó khăn do trình độ của các em còn hạn chế. Tuy nhiên, các em rất hào hứng, chịu khó tập luyện, các bậc phụ huynh lại quan tâm, động viên nên mọi thứ dần đi vào quy củ. Với những “nghệ sĩ nhí” của Tân Mỹ, được tham gia đội múa là niềm mơ ước. Em Hồ Công Thuận (học sinh lớp 5, Trường tiểu học số 2 Quảng Ngạn) hào hứng: “Lúc nhỏ, em đã được xem các anh múa Náp. Nhìn đẹp và điệu nghệ lắm! Ngày đầu vào đội múa, em rất háo hức, chỉ trông đến lúc được biểu diễn... Em đã tham gia đội múa tròn 1 năm. Khi đã thành thạo, việc tập luyện không mất nhiều thời gian. Các chú luôn sắp xếp để không ảnh hưởng đến việc học của chúng em”.
“Đặc sản” văn hóa du lịch
Đội Náp của thôn Tân Mỹ được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi và đã trở thành “đặc sản” văn hóa của Quảng Điền. Từ khi dự án du lịch cộng đồng ở Tam Giang được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội (SRD) phối hợp triển khai tại Quảng Điền, điệu múa này được đưa vào tour và rất được du khách đón nhận.
Mỗi khi có đoàn khách du lịch đến thăm, cả thôn cùng chung tay đón khách... Khoảnh đất nhỏ có mái che vốn là nơi sinh hoạt của thôn được trưng dụng làm nơi biểu diễn. Trên nền tiếng trống, khèn lúc rộn rã, khi réo rắt, những bước di chuyển tam xà, tứ trụ, tam lang, tứ lang, vô búp, ra nở… của các em làm khách trầm trồ thán phục. Diệu Hằng, sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ hào hứng: “Đây là lần đầu tiên em được xem điệu múa Náp truyền thống. Không ngờ các em nhỏ lại có thể biểu diễn hay, độc đáo đến thế. Thật thú vị!”. Không chỉ du khách hào hứng với điệu múa, người dân Tân Mỹ dù đã rất quen thuộc vẫn kéo đến xem, cổ vũ rất đông. Trên gương mặt mỗi người dường như ánh lên vẻ tự hào về nét đẹp văn hóa của quê mình. Anh Khoa chia sẻ: “Khi “đứa con tinh thần” được du khách đón nhận, người dân thôn tui rất đỗi tự hào, nhất là các thành viên của đội múa”.
Sau khi đưa vào tour, điệu múa Náp đã thu hút được sự chú ý của du khách. Theo chị Đặng Thị Thanh Loan, chuyên viên phụ trách du lịch – Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quảng Điền. để phục vụ du khách một cách chuyên nghiệp, cần phải có sự đầu tư. Hiện tại, đội múa chỉ mới tận dụng những gì sẵn có mà chưa được đầu tư thích đáng. Địa điểm biểu diễn chật hẹp. Đội múa vẫn phải dùng nhạc nền bằng đĩa chứ không có đội biểu diễn khèn, trống. Điều này làm giảm không ít không khí, chất lượng của buổi biểu diễn.