“Đầu năm mua muối” một phong tục mặn mà của người Việt Nam
Thậm chí, tuỳ điều kiện vật chất ở từng nơi, người ta còn cho muối là loại thực phẩm đặc biệt quý hiếm và không thứ gì khả dĩ thay thế được.
Song đã từ lâu ở nước ta cũng như nhiều nước khác, muối đúng là loại thực phẩm (gia vị) rất cần thiết nhưng không còn là của quý hiếm. Người ta có thể dễ dàng mua muối ở đâu cũng được và mua với số lượng bao nhiêu tuỳ ý. Tuy vậy, tại nhiều làng quê Việt Nam vùng đồng bằng Bắc Bộ, tục mua muối đầu năm âm lịch vẫn tồn tại như một tín ngưỡng thật khó lý giải. Theo các nhà nghiên cứu dân gian, tục mua muối đầu năm không chỉ có ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực (thưởng lãm), mà trên ý nghĩa tinh thần, mua muối đầu năm là thể hiện ước muốn quan hệ gia đình, dòng tộc, thầy trò và quan hệ xã hội thêm mặn mà, gắn bó nhau hơn.
Chiều hôm tất niên (30 tháng Chạp), các bà nội trợ đem cái âu (hũ, lọ hoặc liễn) đựng muối của gia đình ra cọ rửa sạch sẽ rồi phơi nắng cho khô hết nước. Để rồi sáng mùng 1 Tết, trong tiết trời se lạnh với “bữa ấy mưa xuân phơi phới bay”, từng đoàn các bà, các chị, các cô theo nhau lên chùa và ai cũng đậm đà với khăn nhung yếm thắm. Vẫn là một mỹ tục nghìn đời đầu năm đi lễ chùa tụng miếu, nhưng khi về nhiều người không quên mua một túi muối để cầu may. Mặc dù theo luật cung cầu, giá muối hôm nay khá “chát” so với thường ngày. Không ai biết câu tục ngữ: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” có từ bao giờ, song tục “mua muối cầu may” đầu năm mới thì hầu hết làng quê nông thôn Việt
Hiện nay, ở vùng nông thôn Bắc Bộ nhiều người vẫn quan niệm đầu năm mua muối thì cả năm sẽ làm ăn tấn tới, tình cảm gia đình trọn vẹn như vị đậm đà của muối. Có người còn rắc muối ra đường và xung quanh nhà với hy vọng nơi nơi đều bình yên. Sáng mùng một Tết tại các đình chùa, muối được bày bán bên cạnh hoa quả, vàng mã, đèn hương... Sau khi vào lễ Phật, lúc ra về trên tay các bà, các chị là những cành lộc vàng cùng một gói muối; ai cũng đinh ninh trong dạ niềm tin về một năm mới mọi việc tốt đẹp, hanh thông.