Non nước Việt Nam

Tết của người Xa Phó (Yên Bái)

Cập nhật: 29/01/2011 09:01:28
Số lần đọc: 2486
Tết của đồng bào Xa Phó cũng giống như các dân tộc anh em khác, cũng có thịt lợn, thịt gà, bánh chưng, rượu, mứt... nhưng trong các lễ vật để cúng tổ tiên có nét khác với các dân tộc Kinh, Dao, Thái, Tày, Mông.

Nắng xuân tràn về như tăng thêm sức sống cho những chồi non, lộc biếc, cho hoa mai, hoa mận, hoa đào trên khắp quê hương Yên Bái càng thêm khoe sắc thắm. Hoà chung với khí thế đón xuân mới của các dân tộc anh em Mông, Dao, Thái, Tày, Nùng, Khơ Mú... trong tỉnh, người Xa Phó cũng đón xuân, vui tết cổ truyền của dân tộc theo nét văn hoá rất đặc sắc rất riêng của mình.

 

Già làng Phùng Văn Khang - nguyên Trưởng Ban Văn hóa xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên vui vẻ kể về phong tục ăn tết, đón xuân mới của người Xa Phó: “Năm nào cũng vậy, để chuẩn bị đón xuân mới, vui tết cổ truyền của dân tộc, ngay từ tháng 5, tháng 6 (âm lịch), người Xa Phó ở Văn Yên và các địa phương khác cũng chọn lấy 2 - 3 con gà trống đẹp và 1 con lợn giống của địa phương nuôi đến tết mới mổ, vì người Xa Phó ăn tết cổ truyền dân tộc là to nhất”. 

Thông thường tháng 12 âm lịch, đồng bào Xa Phó thu hoạch xong lúa nếp nương cho vào bồ, chuẩn bị lá dong, củi và tất cả mọi thứ từ gà trống, lợn, gạo nếp, hoa quả, trầu cau, vàng hương để cúng tổ tiên, mời tổ tiên về ăn tết. Hộ nào khá giả thì mổ 1 con lợn 70 - 80 kg, hộ trung bình thì mổ 1 con 25 - 35 kg, hoặc cùng chung nhau mổ 1 con, còn gạo nếp để gói bánh thì phải chuẩn bị được từ 7 đến 10 kg để nấu xôi và gói các loại bánh.

 

Sáng ngày 30 tháng 12 âm lịch, mọi gia đình đều mổ lợn, gói bánh chưng gói giò, nem... và cử một người trong gia đình vào rừng lấy một bó bông chít về lau dọn bàn thờ tổ tiên với mong muốn “quét sạch cái xấu của năm cũ, cầu năm mới an lành, hạnh phúc”.

 

Tết của đồng bào Xa Phó cũng giống như các dân tộc anh em khác, cũng có thịt lợn, thịt gà, bánh chưng, rượu, mứt... nhưng trong các lễ vật để cúng tổ tiên có nét khác với các dân tộc Kinh, Dao, Thái, Tày, Mông. Trong lễ vật để sắp lên bàn thờ của người Xa Phó cúng tổ tiên chiều 30 tết phải có bánh chưng, thủ lợn, thịt gà, mứt tết và 3 chén rượu, 3 bát cơm, 3 đôi đũa, 1 chiếc đèn dầu kèm theo 1 khăn thêu đẹp, 1 bộ quần áo thêu của dân tộc Xa Phó và 2 cây mía buộc đứng 2 bên bàn thờ...

 

Sau đó chủ nhà thắp hướng cúng mời tổ tiên, thủ tục cúng rất ngắn gọn. Chủ nhà cúng: Năm hết tết đến con cháu mời tổ tiên về ăn tết, mong tổ tiên phù hộ cho con cháu và gia đình mạnh khỏe, sang năm mới làm ăn phát đạt. Sau khi cúng tổ tiên xong, nhà nào cũng làm 2- 3 mâm mời anh em, con cháu ăn tết. Ăn uống xong bữa tối, con cháu ai về nhà đấy, chuẩn bị đón giao thừa tại gia đình mình. Già làng Phùng Văn Khang cho biết thêm: “Chuẩn bị đón giao thừa, các gia đình không phải sắp thêm cỗ lên bàn thờ nữa mà để nguyên tất cả lễ vật cúng chiều 30 tết trên bàn thờ đến hết 3 ngày tết mới được hạ xuống. Chuẩn bị đón giao thừa, mọi người trong gia đình ngồi quây quần bên bếp lửa hồng, chúc tụng nhau năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc.

 

Qua giao thừa, con gái trong gia đình phải đi vào rừng lấy nước về cho mọi người rửa mặt và chọn lấy một hòn đá đẹp về cho vào bồ thóc để năm mới tất cả dòng họ làm nương thóc đều trắc hạt nặng như đá. Nếu gia đình nào không có con gái thì con trai phải đi”.

 

Đón giao thừa đêm 30 và sáng mùng 1, người Xa Phó kiêng không đi chúc tết hàng xóm, mà chỉ con cháu trong dòng tộc đem rượu, mứt, bánh chưng đi tết bố mẹ, ông bà ngày mùng 1, mùng 2 mới được đi chơi chúc tết hàng xóm.

 

 Nghệ nhân dân gian Việt Nam Đặng Thị Thanh ở xã Châu Quế Thượng kể rằng: “Trước kia, người Xa Phó ăn tết khá dài, từ ngày 15/12 (âm lịch), mọi gia đình đem lễ vật đến một con suối trong làng để ông thầy cúng của làng cúng đuổi ma làng đến ngày 15/1 (âm lịch) năm sau mới xong, trong 1 tháng đó tất cả mọi gia đình đều đóng cửa không cho người lạ ở ngoài làng vào nhà. Ngày nay, người Xa Phó ở đây ăn tết, vui xuân rất văn minh, họ chỉ ăn tết trong 3 ngày rồi ra đồng, lên nương lao động sản xuất...”.

 

Ngày xuân các cụ già đi chơi chúc tết hàng xóm, uống rượu, uống trà chúc tụng nhau khoẻ mạnh, sống lâu, còn thanh niên nam, nữ từ làng này sang làng kia, tổ chức chơi các trò chơi dân gian ném còn, thổi kèn, sáo mũi, múa xòe và hát giao duyên. Con trai từ làng khác tới chơi hát: “... Em ơi mặt trời đã lặn đầu nương, anh đang đứng ở chân đồi, em xuống đón anh lên. Những đêm trăng sáng mập mờ, ngồi bên bếp lửa lều nương tối, ngày. Lúc này chỉ có hai ta, đêm khuya thanh vắng lá rừng rơi, tiếng suối reo róc rách, anh với em có nên duyên trời cho. Gà lôi (chân đỏ) chắc là em xinh lắm nhỉ, thì anh không dám đến đâu!”. Người con gái hát đáp lại: “Gà lôi hay gà rừng cũng là một loài gà rừng, chỉ mỗi em là chân đỏ thì đẹp hơn gà rừng khác. Gà rừng trông lúa, trông ngô, trông bồ thóc lúa ven nương ngày ngày. Đêm ngày cất tiếng hát chi trên đồi, bông lúa ngẩng đầu rồi lại cúi, thì em với anh gật đầu hợp duyên!”.

 

Các chàng trai, thiếu nữ Xa Phó vừa hát giao duyên vừa chơi các trò chơi dân gian vui xuân, cùng nắm tay nhau múa xòe... Cũng từ lễ hội mùa xuân, mà nhiều chàng trai, thiếu nữ  Xa Phó đã nên vợ nên chồng và chung sống hạnh phúc với nhau suốt đời.

 

Đón xuân mới Tân Mão 2011, người Xa Phó ở Châu Quế Thượng Vùng  vui xuân, ăn tết đến hết ngày mùng 3, mùng 4, thì dân làng lại tổ chức tết trồng cây, các gia đình đều tham gia trồng cây khai xuân để lấy may, sau đó họ lại cùng nhau lên đồi, xuống ruộng lao động sản xuất trong khí thế của mùa xuân mới tràn đầy niềm tin và hy vọng, năm mới nhà nào cũng mạnh khỏe, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT