Non nước Việt Nam

Nghi lễ đón giao thừa của đồng bào vùng cao Lào Cai

Cập nhật: 08/02/2011 08:02:21
Số lần đọc: 1587
Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, khi hoa mận, hoa đào đua nhau nở bừng rực rỡ, đồng bào lại náo nức đón tết chơi xuân. Trong Tết cổ truyền, nghi lễ đón giao thừa được đồng bào đặc biệt chú trọng.

Người Bố Y

Ngay từ chiều 30 Tết, nhà nào cũng chuẩn bị sẵn một con gà trống lông mượt, màu đỏ tươi, 1 chiếc cân và một vò nước suối lấy ở đầu nguồn (họ quan niệm gà và cân được ví như cân vàng, cân bạc, nước tượng trưng cho tiền của chảy vào nhà). Trước khi chuẩn bị mọi thứ đầy đủ, cần thiết để đón giao thừa, chủ nhà đi nhờ một người đàn ông có sức vóc cường tráng, gia đình bề thế, hạnh phúc để giúp làm thủ tục xông nhà.

Giao thừa đến, người được mời đến xông nhà gõ 3 tiếng vào cửa nhà chính miệng thì thầm "mở cửa, mở cửa, mở cửa". Chủ nhà bên trong hỏi vọng ra "Anh là ai", người đến xông nhà trả lời: Ta là "Tài Bạch Liên" (Xêu pơ sin) nghĩa là "Tiên trên trời"; chủ nhà hỏi: "Anh ở đâu đến" , trả lời: "Ta từ trên trời đem phúc lộc đến cho gia đình"… cuộc hỏi, đáp giữa người đến xông nhà và chủ nhà cứ như thế diễn ra đến khi người  xông nhà trả lời trôi chảy các câu hỏi về cuộc sống, lao động, sản xuất trong năm và hứa sẽ phù hộ cho gia đình sang năm mới mọi người đều khoẻ mạnh, làm ăn phát đạt… Sau khi thực hiện xong thủ tục xông nhà, chủ và khách cùng nhau cụng chén rượu chúc mừng năm mới rồi chủ nhà tiễn khách ra về. Trước bàn thờ tổ tiên, cả gia đình trong bộ trang phục truyền thống xếp hàng chỉnh tề, chủ nhà thắp hương mời tổ tiên phù hộ cho con cháu sang năm mới làm ăn gặp nhiều may mắn, người yên vật thịnh… Cả nhà quây quần bên nhau chúc mừng năm mới.

Người Phù Lá

Theo tục lệ, trước khi đón giao thừa, cả gia đình từ trẻ đến già làm thủ tục rửa chân: một nồi nước lá thơm gồm 12 thứ lá và một quả trứng gà đun sôi để nguội, múc ra chậu, cả nhà từng người rửa chân để chuẩn bị đón giao thừa. Lễ đón giao thừa diễn ra trang nghiêm dưới bàn thờ tổ tiên, cả nhà trong bộ trang phục truyền thống, xếp hàng chỉnh tề, sau khi thắp hương mời tổ tiên về ăn tết, chủ nhà ôn lại sự tích dòng họ để các thành viên trong gia đình ghi nhớ. Đây chính là hình thức truyền dạy lại cho con cháu nhớ đến tổ tiên. Khi thời gian vừa bước sang năm mới, họ thực hiện nghi lễ rước nước thiêng từ đầu nguồn con suối đem về đun sôi đặt lên bàn thờ tổ tiên, cúng xong cho người già và trẻ em uống và rửa mặt trong 3 ngày tết.

Người Thu Lao

Chiều 30 tết, đồng bào làm lễ quét dọn bàn thờ tổ tiên, dán giấy xanh, đỏ, cắt hoạ tiết hình các loài hoa, chim muông trước bàn thờ. Chuẩn bị đón giao thừa, cả gia đình trong trang phục gọn gàng, xếp hàng trước bàn thờ tổ tiên, người cao tuổi nhất trong gia đình thắp 3 nén nhang trên bàn thờ, mờiâ tổ tiên về ăn tết và cầu mong tổ tiên luôn phù hộ cho gia đình làm ăn gặp nhiều may mắn, rồi chủ nhà xin hạ bát nước xuống đưa cho mỗi người uống một ngụm để tăng thêm sức khoẻ. Người Thu Lao có tục đón lộc trong đêm giao thừa gõ trống, mõ thoát ra âm thanh vang vọng đất trời để cầu may, cầu lộc.

Theo tập quán, sau giao thừa, người Thu Lao thường mổ một con gà trống thiến xem đầu gà để dự đoán những điều may rủi trong năm.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT