Ngày rằm đi hội Đền Và
Đền nằm trên một gò đất rộng và thấp hình một con rùa đang duỗi bốn chân và ngóng đầu xuống đầm Vân Mộng hướng về phía mặt trời mọc. Khu vực bên ngoài là giếng nước và điện thờ Cô Chín Thượng Ngàn, người quản cai non ngàn thăm thẳm. Bên cạnh là động Ngũ hổ, có thờ tượng năm ông hổ, năm màu sắc, trấn giữ các phương. Đền Trung là nơi có tượng Tứ trấn, tượng văn võ lưỡng ban, cùng ngựa hồng ngựa bạch. Tất cả những bài trí đều là mô phỏng một triều đình phong kiến để ghi nhớ việc Đức Thánh Tản đã từng được vua Hùng nhường ngôi báu và đã trị vì trong vài tháng.
Lễ hội thu (rằm tháng 9 âm lịch), Lễ hội mở từ ngày 14 tháng 9 (âm lịch), dân làng cùng đánh bắt cá tập thể trên đoạn sông. Mọi người mang những công cụ đánh bắt cá như nơm, vó, xúc... Ai bắt được loại cá trắng, to thì nộp cho làng, cá nhỏ mang về nhà. Cuộc đánh bắt cá đến khi nào chọn ra đủ 99 con thì mang số cá đó về làm tiệc cá, thờ Đức Thánh Tản ở đền Và. Lễ hội này dân gian gọi là lễ hội “đả ngư”. Trò đánh bắt cá tập thể của 5 làng trên đoạn sông Tích có ý nghĩa lấy vui, lấy may. Ai được con cá to tâm niệm năm ấy Đức Thánh Tản phù trợ cho làm ăn gặp nhiều may mắn.
Năm 2011, Lễ hội mùa xuân Đền Và tổ chức lớn trong 3 ngày 16 – 19/2 (tức 14 - 17 tháng Giêng), theo nghi thức truyền thống.Từ 13h30 - 17h, đoàn rước từ Đền Ngự Dội theo tuyến đường cũ rước kiệu trở về, làm lễ yên vị tại Đền Và... Sau phần lễ, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức, người đi hội có thể tham gia các trò chơi dân gian hấp dẫn ở khu đồi Lim cạnh đền, như: cờ tướng, cờ người, kéo co, chọi gà, nấu cơm thi, đánh đu…