Đà Nẵng: Hương sắc hội làng
Năm nay, do đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) trùng tu chưa hoàn thành nên các cụ quyết định không tổ chức hội làng theo lệ thường vào mồng 9 tháng Giêng hằng năm. Bà con các họ tộc trong làng và ngay cả khách du xuân cũng tỏ vẻ tiêng tiếc bởi xuân nay vắng tiếng reo hò khi các trò chơi dân gian diễn ra sôi nổi trong sân đình và giải đua thuyền náo nức làm dậy sóng khúc sông Túy Loan đi qua trước mặt đình.
Hội làng Hòa Mỹ và Hòa Phú (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) thì đến hẹn lại lên, cùng diễn ra trong 3 ngày với chính lễ vào 12 tháng Giêng.
Tình làng và nét phố
Sáng ngày 12 tháng Giêng, một đám rước gần 500 người, cờ xí rợp trời, trống chiêng dậy đất, rồng rắn đi từ cơ quan UBND phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, theo đường Tôn Đức Thắng, rẽ qua đường Nguyễn Huy Tưởng và dừng chân trước đình làng Hòa Mỹ. Ngôi đình ngày thường uy nghi, trầm mặc bên những tán mù u cổ thụ, giờ đây chan hòa âm thanh, sắc màu cùng với lòng người trong nắng mới đầu xuân. Các họ tộc, các tổ dân phố, chùa chiền, nhà thờ, cơ quan, trường học... đóng trên địa bàn cùng quay về chung vui trong một ngày đáng nhớ: Ngày rước Bằng xếp hạng Đình làng Hòa Mỹ là di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố.
Suốt 17 năm qua, cụ Nguyễn Nghĩa, Trưởng Hội đồng các gia tộc làng Hòa Mỹ, liên tục được bà con tín nhiệm bầu vào chức Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Đình làng. Hội làng năm nay, ông lão đã quá bát tuần này có vẻ bận rộn, lo lắng nhiều hơn, bởi ngoài rước Bằng xếp hạng, các họ tộc trong làng còn đón nhận Bằng khen của UBND thành phố tặng Hội đồng các gia tộc trong làng về thành tích tổ chức thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” giai đoạn 1995 – 2010.
Với bà con Hòa Mỹ, đây là sự kiện cực kỳ quan trọng từ khi khôi phục hội làng, ai cũng mong ước năm nay có được những hoạt động mới cho xứng tầm. Theo lời ông Trương Quang Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Minh, Phó Trưởng ban Tổ chức Hội làng, sau khi nghe được tin vui, các họ tộc mừng quá, khởi công xây dựng Nhà sinh hoạt văn hóa trong khuôn viên đình làng với kinh phí 800 triệu đồng, dự kiến khánh thành vào ngày 29-3-2011. Đây sẽ là nơi hội họp, trưng bày các hiện vật truyền thống của làng, là “đất” cho các CLB Bóng đá, Cầu lông, Cờ tướng... hoạt động và phát triển.
Trước một hội làng hoàn toàn khác hẳn, bà Hà Thị Tích, giáo viên về hưu ở tổ dân phố 50, đã chia sẻ xúc cảm qua những vần thơ mộc mạc: Sân đình mở hội hôm nay/ Đón bằng di tích cờ bay rợp trời/ Người về vui tự muôn nơi/ Tình xưa nghĩa cũ bồi hồi xiết bao.
Thật vậy, gần 20 năm qua, hội làng Hòa Mỹ đã gắn kết mọi người với nhau bằng một chữ Tình. Trên địa bàn có trên 40 cơ quan, đơn vị và nhiều hộ mới đến định cư, tất cả chan hòa với bà con Hòa Mỹ trong một đại gia đình thân thương, đùm bọc. Trung tâm Quy hoạch Đô thị - Nông thôn miền Trung tham gia các hoạt động như một đơn vị của làng, từng đề nghị các cơ quan, đơn vị bạn chơi mai Tết xong thì tặng cho làng để hình thành một rừng mai. Trung tâm, do tính đặc thù của công việc, có thể sẽ chuyển đi nhiều nơi, nhưng khó lòng mà quên Hòa Mỹ như câu thơ của một thành viên thuộc trung tâm tham gia thi cắm hoa ở hội làng: “Tương lai trên vạn nẻo đường/ Tình làng nghĩa xóm vấn vương muôn đời”.
Trung tá Bùi Hòa, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền – Xử lý (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Đà Nẵng), một trong những con dân tích cực của làng Hòa Mỹ, mấy năm trước từng vận động bà con trong tổ dân phố 46 tự làm xe hoa rước Tam đa Phước Lộc Thọ về chúc mừng hội làng. Năm nay, ngoài việc triển lãm bộ ảnh do anh và các nhà báo chụp về hội làng, anh còn đóng góp hai cây cau vào “Vườn cau nguồn cội” theo lệ làng để ghi dấu ngày “lập đời” của chính bản thân anh.
Trường Cao đẳng Đức Trí gần bên đình Hòa Mỹ, các hoạt động của hội làng đã quá đỗi thân quen không chỉ với cán bộ mà cả với các thế hệ sinh viên. Ông Nguyễn Công Diệp, Trưởng phòng Hành chính – Tổ chức nhà trường có một góc nhìn khác về hội làng: “Hòa Mỹ phố! Điệu bài chòi không cũ/ Tháng năm gần ru mãi tháng năm xa/ Cũng khăn đóng áo dài, cũng quần bò, áo ngắn.../ Chỉ tiếc thiếu ao làng để em ngắm, em soi!/ Và tiếc lắm khi đời kết tuổi/ Biết còn ai trân quý chút quê mùa?...”.
Uống nước nhớ nguồn
Tối ngày 12 tháng Giêng, các họ tộc làng Hòa Phú rước văn từ nhà ông Tư lễ Nguyễn Tín về đình để làm lễ Nghinh văn. Vừa rồi, làng đã cử người ra Bắc đặt làm một kiệu rước theo nguyên mẫu cổ truyền, hội làng năm nay “mở hàng” rước văn đi quanh khu dân cư. Thỉnh văn tế vào yên vị trong chính đình, cụ Nguyễn Ngân, gần bát tuần, hậu duệ của vị Tiền hiền làng, xúng xính trong bộ áo thụng cắt đặt mọi việc đâu vào đó rồi đứng ra làm chánh bái trong lễ Cầu an, cầu mưa hòa gió thuận, quốc thái dân an.
Làng Hòa Phú hiện có 45 chư phái tộc, nhưng không phải ai cũng biết rõ về nguyên lai hình thành làng quê xưa. Trước, nơi này có tên là Phú Lộc với ba xóm. Xóm Bắc Ninh phía Bắc là một làng chài ven biển. Xóm Tây Sa phía Tây là vùng nhiều cát trắng. Xóm Hòa Phú rộng nhất (có lẽ vì thế mà làng sau đổi tên thành Hòa Phú), sau tách ra làm năm xóm nhỏ là Hòa Bình, Phú Ca, Phú Trung, Phú Xuân, Hòa Nam.
Trong bài thơ “Con sông quê tôi”, ông Hồ Biết, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Minh, đã lưu giữ những địa danh một thời gắn liền với công cuộc khai dân lập ấp của tiền nhân làng Hòa Phú. Làng xưa có một địa danh là máng tát Cây Da từng song hành cùng đời sống nông nghiệp của người Hòa Phú, được ông tả lại: “Cây Da, máng tát người đông/ Trăng lên tỏa sáng chờ trông tới mình/ Gàu vai thi tát đẹp xinh/ Tới mùa thu hoạch nhớ tình con sông”. Cảnh tát nước đêm khuya này cũng diễn ra ở một nơi nữa: “Nước ngập thoát khe Mù U/ Bờ Hàng, Nà Vạng ruộng bù phù sa”.
Gọi là khe Mù U, bởi nơi đó có hai cây mù u cổ thụ - bà Huỳnh Thị Lệ, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Minh, giải thích. Khi về làm dâu làng Hòa Phú, bà từng đi tát nước đêm khuya ở cái khe đã để lại nhiều kỷ niệm cho nam thanh nữ tú trong làng này. Cũng như máng tát Cây Da, khe Mù U đã diễn ra nhiều cuộc “thi tài” giữa trai gái trong làng và không ít người về sau đã thành đôi thành lứa.
Cụ Nguyễn Ngân, mỗi khi chuyện trò với tuổi trẻ trong làng, vẫn không quên nhắc lại những tên đất dân gian xưa như Bàu Năng, Bàu Sậy, Bàu Lát... cho thấy nơi đây từng là vùng đất hoang vu với nhiều loại thảo mộc mọc hoang và tiền nhân đã phải dày công khai phá. Giờ đây phố xá thênh thang, đường ngang ngõ dọc, ngẫm lại càng nhớ ơn người đi trước. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” này, theo ông Võ Phụ, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Đình làng Hòa Phú, đã được bà con trong làng thể hiện qua việc không chia nhau 300 triệu đồng tiền cổ phần xã viên sau khi giải thể HTX Nông nghiệp Hòa Minh mà tự nguyện đóng góp trùng tu đình làng để có nơi kính ngưỡng tiền nhân.
Từ năm 2001, khi tiến hành chỉnh trang đô thị, Hòa Phú có nhiều hộ từ các nơi về tái định cư, nhiều nhất là ở hai xóm Bắc Ninh và Hòa Bình. 11 năm khôi phục hội làng, chưa phải là nhiều để một số người mới có thể bắt nhịp với đời sống văn hóa tâm linh chung của làng. Đó là điều mà Ban tổ chức hội làng sẽ nhắm đến trong những năm tiếp theo.
Hội làng giữa phố
Bây giờ dù đã là phường/ Đình làng còn đó, lễ làng vẫn xưa. Câu thơ của Phạm Danh, con dân Hòa Phú, nói đến chuyện Hòa Minh “lên” phố từ 14 năm nay nhưng vẫn giữ bốn hội làng xưa cũ. Mỗi làng riêng một sắc hương, nhưng chung một chí hướng, nói như Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND phường Hòa Minh Nguyễn Văn Cường là: Bền chặt tình đoàn kết giữa các họ tộc, giáo dục con cháu sống có đạo nghĩa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Mỗi lần hòa mình vào những sinh hoạt đầy nhân văn ấy, ta thầm cảm ơn người xưa đã lập ra hội làng để giờ đây có cái để góp phần tạo nên hương sắc cho phố trẻ Đà Nẵng trên đường phát triển và hội nhập.