Non nước Việt Nam

Đất Tổ - Những nét đặc sắc về con người, lịch sử và văn hóa

Cập nhật: 14/02/2011 10:30:03
Số lần đọc: 1800
Phú Thọ là vùng đất cổ, nơi phát tích của dân tộc. Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã để lại những truyền thống vô cùng quý giá còn in đậm nét trong tính cách của người dân Phú Thọ hôm nay; đó là giàu sáng tạo trong lao động, giàu lòng nhân ái trong lối sống, giàu khí phách đấu tranh trống kẻ thù, giàu lòng yêu nước, yêu quê hương…

Mỗi tên đất, tên làng, tên sông ở vùng đất này đều gắn với kỳ tích của thời dựng nước và giữ nước. Vì vậy, nói đến Phú Thọ là nói tới truyền thống nguồn cội của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Năm 1968 với phát hiện văn hóa Sơn Vi, các nhà khoa học đã tìm ra hệ thống người cổ cách ngày nay hàng vạn năm. Hàng trăm di tích khảo cổ thuộc văn hóa Sơn Vi đã phát hiện trên các gò, đồi trung du cho thấy người Sơn Vi đã biết chế tác công cụ để phục vụ cuộc sống của mình, khác với người vượn chỉ biết dựa vào tự nhiên. Trải qua hàng vạn năm, người Sơn Vi qua thời đại đồ đá mới, đã biết triển khai cuộc sống chiếm lĩnh các thung lũng để trồng trọt, tìm kiếm thủy sản, tạo lập cuộc sống.


Thời kỳ Hùng Vương con người đã bước vào thời đại đồng thau, biết trồng lúa nước, chế tạo đồ gốm, luyện kim. Hàng trăm di tích được phát hiện tập trung ở Việt Trì, Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Cẩm Khê. Trong các di tích ấy được phân chia thành các giai đoạn phát triển liên tục từ sơ kỳ kim khí tới hậu kỳ đồng thau- sắt sớm. Đó là giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun, văn hóa Đông Sơn. Trong khoảng 2000 năm con người thời Hùng Vương đã tiến những bước vững chắc vào xã hội văn minh trên nền tảng kinh tế nông nghiệp với nghề gốm, luyện kim và đặc biệt là ra đời nhà nước đầu tiên- Nhà nước Văn Lang. Chính vào thời kỳ ấy, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ta đã hình thành, tạo cơ sở vững chắc cho sự trường tồn của dân tộc. Trải qua một nghìn năm Bắc thuộc, bản sắc văn hóa ấy vẫn được giữ gìn và phát huy cho tới ngày nay. Trên cơ sở chính trị ổn định, kinh tế phát triển, sinh hoạt vật chất và tinh thần đều đạt trình độ nhất đinh, đã hình thành những yếu tố đặc trưng của một phong cách dân tộc mà các nhà sử học Việt Nam gọi là văn minh Sông Hồng. Trải qua hàng ngàn năm cư dân Văn Lang đã góp phần xây dựng cơ sở vật chất, tạo nền tảng dân tộc Việt Nam, nền tảng văn hóa Việt Nam và truyền thống tinh thần Việt Nam.

 

Từ lâu đời nay, cư dân Phú Thọ là con cháu người Việt cổ, họ bảo lưu nhiều phong tục tập quán cổ truyền và tiếp tục truyền thống đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước. Những cư dân nơi đây do giao lưu văn hóa, thương mại và thích ứng với hoàn cảnh để cải tiến công cụ sản xuất, đưa trình độ sản xuất ngày một phát triển cao hơn… một số vùng đã trở thành nơi đô hội, có làng nghề đúc, làng nghề gốm, nung gạch, đan lát… Cũng có nơi trở thành thị trường buôn bán sầm uất. Mặc dù bị bọn đô hộ áp bức nặng nề, nhưng do cần cù lao động và thông minh sáng tạo, lại biết đùm bọc bảo vệ lẫn nhau, nên cư dân nơi đây vẫn đẩy mạnh sản xuất, phát triển không ngừng mọi mặt và tiến bộ nhanh hơn bộ phận dân cư sống biệt lập lâu đời, với nền kinh tế tự cấp, tự túc ở vùng miền núi.

 

Từ thế kỷ X trở đi diễn ra sự phân lập người Mường và người Việt. Người Lạc Việt ở đồng bằng trung du đông hơn, điều kiện phát triển kinh tế thuận lợi nên đã hình thành dân tộc Việt hiện đại, phân hóa với người Mường là bộ phận người Lạc Việt sống ở miền núi. Có thể nói con người Phú Thọ là những cư dân sống lâu đời trên vùng Đất Tổ của đất nước Việt Nam được phát triển ngày một đông trong quá trình lịch sử. Các thành phần cư dân sống trên đất Phú Thọ, cơ bản vẫn là làm nông nghiệp, lấy cây lúa nước làm kinh tế chủ đạo. Trước Cách mạng tháng Tám, nông dân chiếm 99%. Sau cách mạng đặc biệt từ năm 1954 tới nay, do sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế- xã hội, từ nền nông nghiệp, chúng ta xây dựng nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa, do đó thành phần công nhân và thị dân tăng lên, nhưng bản thân họ vẫn là người xuất thân từ nông dân, phẩm chất, phong cách, lề lối làm ăn sinh sống vẫn còn mang nhiều sắc thái nông dân. Phú Thọ ngoài hai thành phần chủ yếu là người Việt cổ và người Mường, còn có các thành phần dân tộc Dao, Cao Lan… chiếm số lượng ít nhưng đã hòa nhập vào cộng đồng các dân tộc Phú Thọ. Đó là sự giao lưu, đan xen văn hóa tạo nên sắc thái riêng phong phú đa dạng trên cơ sở văn hóa truyền thống từ thời Hùng Vương. Chính các sắc thái đó ảnh hưởng quyết định tới sự hình thành truyền thống tinh thần của nhân dân các dân tộc Phú Thọ. Đó là những phẩm chất tốt đẹp của cư dân vùng Đất Tổ, dòng dõi người Việt cổ Phùng Nguyên- Đồng Đậu- Gò Mun- Đông Sơn, những con người tham gia vào công cuộc chinh phục thiên nhiên vùng đất Ngã ba sông từ ngày đầu dựng nước, đã góp phần xương máu vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Họ đã cùng đồng bào cả nước viết lên truyền thống tốt đẹp: Lòng yêu nước thương nòi, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường bất khuất, niềm tin sâu sắc và mãnh liệt vào tài năng của mình.


Trên một ngàn di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến lớn nhỏ, trong đó có trên 300 di tích đã được Bộ Văn hóa và UBND tỉnh xếp hạng bảo vệ, hiện còn là minh chứng lịch sử hùng hồn, là niềm tự hào của người dân Phú Thọ. Đặc biệt Khu di tích lịch sử Đền Hùng- nơi có đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương và rất nhiều di tích vừa có giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc vừa là nơi tổ chức lễ hội truyền thống nhằm giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh người có công dựng nước, giữ nước như: Đình và chùa Hiền Quan, Đình Hùng Lô, Đào Xá, Hữu Bổ, chùa Xuân Lũng… dưới lòng đất Phú Thọ, hiện tại còn ẩn chứa bao bí mật, ẩn chứa những thông tin về nền văn minh Việt cổ và Đại Việt đang từng bước được các nhà khảo cổ học làm sáng tỏ từ văn hóa Sơn Vi, Phùng Nguyên, Gò Mun, Đồng Đậu, Làng Cả… cách đây mấy ngàn năm.

 

Vì thế cho tới nay dòng văn hóa dân gian đặc sắc vùng Đất Tổ vẫn không ngừng phát triển, phản ánh một cách phong phú cuộc sống lao động, sản xuất, đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Các giá trị văn hóa truyền thống ấy luôn được các thế hệ lưu giữ qua các truyền thuyết như: Truyền thuyết Hùng Vương, truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh, các hình thức diễn xướng văn nghệ dân gian như: hát Xoan ở Kim Đức, hát Ghẹo ở Thanh Uyên, Nam Cường; các trò diễn hội làng: Rước chúa Gái ở Chu Hóa – Hy Cương, trò Trám ở Tứ Xã, cướp Kén ở Dị Nậu, cướp Phết ở Hiền Quan… và rất nhiều ca dao, tục ngữ, truyện ngụ ngôn, cổ tích, truyện cười mang đặc trưng quê hương Phú Thọ. Là trung tâm Nhà nước Văn Lang xưa, nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, miền đất Phú Thọ là nơi hội tụ của 21 dân tộc anh em, mỗi dân tộc với một phong tục tập quán đa dạng cùng các loại hình văn nghệ dân gian phong phú ở Phú Thọ như: Hát Xoan, Ghẹo, Trống quân, chàm thau, đâm đuống, cồng chiêng, múa mỡi, trống đu, múa chuông… đã làm nên sự phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng Đất Tổ. Nó được gìn giữ nâng cao các giá trị từ đời này qua đời khác trở thành di sản quý giá góp phần bồi đắp cho nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam thêm phong phú, đa sắc.

Nguồn: Báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT