Non nước Việt Nam

Phong tục ngày Tết cổ truyền của dân tộc Cao Lan (Tuyên Quang)

Cập nhật: 14/02/2011 09:02:11
Số lần đọc: 1663
Dân tộc Cao Lan (còn gọi là Sán Chay) ở Tuyên Quang có số dân hơn 60.000 người, cư trú chủ yếu ở 37 xã thuộc 3 huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên. Cũng giống như các dân tộc khác, Tết cổ truyền của người Cao Lan chứa đựng và mang đậm bản sắc riêng, độc đáo với những phong tục tập quán tốt đẹp, lễ, hội đặc sắc của mình.

Tết Nguyên đán của người Cao Lan thường được bắt đầu từ 25, 26 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng. Trong những ngày này, mỗi tối trước khi đi ngủ, chủ gia đình thắp một nén hương thơm lên bàn thờ, mang ý nghĩa thông báo và mời tổ tiên về ăn tết, đón xuân cùng con cháu.


Người Cao Lan thường tự làm bánh chưng, bánh gai, bánh rán, bánh chè lam để ăn tết... Bánh chưng của người Cao Lan có hình trụ dài, có thể vắt được trên vai (nên có nơi còn gọi là bánh vắt vai), chắc nịch, bánh xanh dẻo quyện với hương thơm của gạo đỗ mới và thịt lợn hồng. Một loại bánh nữa được ưa chuộng là bánh gai.


Cùng với các sản phẩm từ gạo nếp, người Cao Lan còn làm bún, món ăn phổ biến trong các dịp lễ tết. Do được làm hoàn toàn thủ công nên bún của người Cao Lan rất trắng, mềm mà dai, thơm ngon.


Ngày 30 Tết là ngày quan trọng và đặc biệt nhất trong năm nên từ sáng sớm, việc vệ sinh nhà cửa và đồ dùng trong nhà được mọi thành viên trong gia đình thực hiện rất khẩn trương. Sau đó, dán giấy đỏ lên cổng, các cửa ra vào, bàn thờ tổ tiên, cối xay, cối giã gạo, các cây lưu niên... Theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ tượng trưng cho một năm mới tốt lành, niềm vui trong cuộc sống, một mùa màng bội thu, đồng thời còn mang ý nghĩa tâm linh là sự xua đuổi ma quỷ, cây trồng không bị chim, thú, sâu, bọ phá hoại.


Tùy theo từng dòng họ mà cách bài trí bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết cũng khác nhau. Nhưng nhìn chung là có mâm ngũ quả, cành đào, cành mận hoặc hoa hải đường… bàn thờ thường được phân chia làm hai khu vực. Nơi trang trọng nhất thờ tổ tiên, những cụ tổ đã ngoài 5 đời; bàn thờ này chỉ có hoa thơm, quả ngọt và nước trà tươi vì theo quan niệm đã qua 5 đời thì các cụ đã thành tiên nên đồ cúng phải tinh khiết. Bên dưới là bàn thờ các cụ tổ trong phạm vi dưới 5 đời và đồ cúng trong những ngày tết là thức ăn mặn.


Buổi chiều 30 Tết, các thành viên trong gia đình đều tất bật chuẩn bị cho mâm cơm cúng tổ tiên và bữa cơm tất niên. Tuỳ theo từng dòng họ mà mâm cơm dâng lên tổ tiên ngày 30 tết cũng có những hình thức khác nhau. Có những dòng họ quan niệm “dương sao âm vậy” nên gia đình có những thứ gì trong mâm cơm ngày tết thì phải dâng lên tổ tiên trước (gọi là cúng theo mâm) nhưng đa số là cúng gà trống. Gà để dâng tổ tiên phải được chọn lựa kỹ từ 2, 3 tháng trước với các yêu cầu là chân nhẵn vàng, lông óng mượt, không quá non cũng không quá già và đặc biệt là rất “sạch sẽ” (chưa biết đạp mái).


Sáng mồng 1 Tết, chủ nhà và các con trai lớn đi chúc tết các gia đình trong thôn bản, sang mồng 2 mở lễ hội khai nhạc. Tại buổi lễ, họ chuẩn bị một mâm cỗ để kính dâng lên Thành Hoàng. Trong lễ hội, bên cạnh các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném còn... thì không thể thiếu làn điệu Sình ca. Nội dung của Sình ca đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội: từ tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lao động. 


Các phong tục đầu năm là những nét đẹp trong truyền thống văn hoá của dân tộc Cao Lan, vẫn luôn được bà con tiếp tục duy trì và gìn giữ, mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc và những giá trị tinh thần to lớn.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT