Non nước Việt Nam

Độc đáo hội cầu ngư làng Thai Dương, Thừa Thiên – Huế

Cập nhật: 15/02/2011 09:02:01
Số lần đọc: 2109
Cứ ba năm một lần theo phong tục “tam niên đáo lệ”, vào tiết xuân, Lễ hội Cầu ngư làng Thai Dương ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) diễn ra trong hai ngày 13 và 14 (11 và 12 tháng Giêng âm lịch). Dân làng Thuận An đã cầu mong mưa thuận gió hoà, cầu những điều may mắn vượt qua bao phen phiêu linh trong sóng nước.

Làng Thai Dương, thị trấn Thuận An được hình thành vào khoảng thế kỷ XIV, và Lễ hội Cầu ngư của làng đã ra đời cũng cách đây hơn 500 năm. Cứ theo “tam niên đáo lệ”, nhân dân làn Thai Dương lại tổ chức lễ hội truyền thống này nhằm tỏ lòng tri ân vị khai canh ra làng có tên là Trương Thiều (người dân kính cẩn gọi là Trương Quý Công). Ông là người gốc Thanh Hoá vào đây lập nghiệp, khai hoang, mở mang nghề đánh cá. Hội lễ truyền thống này thường tổ chức chính thức vào ngày 12 tháng Giêng Âm lịch, đúng vào ngày mất của ngài khai canh ra làng. Đây cũng là thời điểm vừa ở vào tiết đầu xuân, thích hợp nhất về con nước để ngư dân khởi đầu cho việc ra khơi, đánh bắt thủy hải sản.

Trước ngày chính lễ, thị trấn Thuận An đã sôi động, ngoài hàng ngàn người dân địa phương và du khách, lễ hội còn đón hàng trăm Việt Kiều có gốc gác ở làng Thai Dương về quê hội lễ. Họ cũng tham gia các trò chơi dân gian ở làng như kéo co, nhảy bao bố... Đặc biệt, có nhiều người đăng ký tham gia diễn trò trong Lễ hội Cầu Ngư. Chiều ngày 11 tháng Giêng, Lễ hội bắt đầu với Lễ Cung nghinh vị khai canh, khai khẩn từ Miếu Thành hoàng đến đình làng. Dưới làn mưa bụi, đi sau đội múa lân là những đoàn người với đủ lứa tuổi, đủ sắc màu trong trang phục lễ hội rất trang nghiêm, kính cẩn cung nghinh bài vị các vị thuỷ tổ ở làng. Đoàn Cung nghinh cũng đã rước các mô hình thuyền đánh bắt xa bờ, thuyền đánh cá gần bờ, biểu tượng cá ngừ, cá voi... Tất cả tạo nên một không khí rộn ràng đặc trưng của Lễ hội Cầu Ngư Thuận An với cờ xí, tàn lọng và nghi tượng rất rực rỡ.

Khi màn đêm buông xuống, lễ Túc Yết bắt đầu. Lễ này có nghĩa là trình lên các vị thần linh biết rằng mọi việc chuẩn bị đã đầy đủ, xong xuôi. Ban tổ chức lễ hội bày biện sẵn hương hoa, quả phẩm và các món hào soạn trên các bàn thờ tại đình làng. Dân làng tổ chức thả đèn hoa, đèn thăng thiên, xem biểu diễn văn hoá truyền thống như: múa Phước Lộc Thọ, ca Huế, văn nghệ dân gian... mang đậm sắc màu văn hoá Việt Nam với nội dung cầu cho mọi người gặp nhiều điều tốt đẹp và may mắn trong công việc, an lành trong cuộc sống. Càng về khuya, trời càng nặng hạt trong thời tiết se lạnh của mùa xuân, song các lễ chính vẫn diễn ra sôi động. Lúc 0h30 phút, chuông đảnh lễ cầu an bắt đầu đổ, vang vọng từ đình làng Thai Dương, như lời khấn nguyện những điều tốt lành sẽ đến. 2h30 phút sáng Lễ Chánh tế diễn ra trong không khí trang nghiêm với sự có mặt của tất cả bô lão trong làng. Đúng 6h30 phút sáng 12 âm lịch, Lễ Cầu ngư diễn ra với các màn múa hát truyền thống Cầu Ngư. Và đến 7 giờ sáng, giờ phút sôi động được mọi người chờ đợi nhất đã đến, hàng trăm em bé và người lớn cùng tham gia diễn trò trên bờ, dưới nước.

Diễn trò là một lễ hội hoá trang đặc sắc vùng sông nước. Các ngư phủ tham gia gọn gàng, đầu chít khăn màu đỏ. Một vị bô lão bước ra giữa sân đình, tung từng nắm tiền để làm mồi nhữ cá. Những đứa bé đóng giả cá chạy dạt theo mồi từ góc sân này sang góc sân kia. Trong khi đàn cá đang “say mồi”, một dân chài tung lưới nơm ra, trùm lấy đàn cá. Tiếp đến, chiếc thuyền lớn xuất hiện, thuyền đi đến đâu, các ngư phủ đứng trên thuyền tung lưới, tạo thành một vòng vây. Người chủ thuyền nhảy xuống “biển” bắt con cá to nhất, mang vào đình để cúng tượng trưng cho các vị tiền bối của làng. Mưa càng lúc càng to, và gió lạnh, nhưng trò diễn vẫn không ngừng nghỉ. Lúc này, những phụ nữ mang quang gióng mới gánh những con cá đi rao bán. Người mua, kẻ bán, mặc cả qua lại rất sôi nổi và trả tiền tượng trưng trước khi đặt cá vào rỗ. Các “mệ” (bà) có thâm niên đi chợ bao nhiêu năm đã diễn những trò này rất hấp dẫn. Những du khách đến xem đã mua những con cá làm bằng giấy cho trẻ em đội lên đầu giả làm cá, mực về làm kỷ niệm, dù nó đã ướt mèm.

Chương trình ngày hội được tiếp tục bằng một cuộc đua trải truyền thống (đua ghe) khá gay cấn và sôi động trên phá Tam Giang, phía trước đình làng Thai Dương. Lễ hội được tổ chức vào lúc 8 giờ sáng và kéo dài đến chiều, thu hút hàng ngàn người đến xem. Ngày hội càng hào hứng hơn bởi tiếng trống, tiếng phèn hòa cùng tiếng reo cổ vũ, vang vọng khắp cả xóm làng. Ngay sau Lễ hội Cầu ngư, các đội thuyền đánh cá của Thuận An đã làm lễ xuất quân đánh bắt vụ Nam, cầu mong một mùa vụ thắng lợi.

‘Lễ hội cầu ngư ở Thuận An là một sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống quan trọng nhất với quy mô, hấp dẫn và độc đáo, trở thành một nhu cầu tinh thần mang màu sắc tâm linh của cộng đồng cư dân Thuận An. Sinh hoạt này đã thể hiện tính văn hoá, muốn thực hiện những ước mơ trong nghề nghiệp. Có thể xem Lễ hội Câu ngư năm nay đã thành công dẫu diễn ra trong mưa bụi. Mưa bụi làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn, làm cho ánh sáng của những ngọn đèn trang trí rực rỡ hơn... Đây được xem là Lễ hội thu hút đông đảo người đến xem nhất từ trước đến nay và cả trong các lễ hội truyền thống đầu xuân tại Thừa Thiên – Huế.

Nguồn: NDĐT

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT