Non nước Việt Nam

Ra giêng trẩy hội Đền Cờn, Nghệ An

Cập nhật: 17/02/2011 09:20:50
Số lần đọc: 2082
Trong tâm thức dân gian của người Nghệ An về đền chùa có lưu truyền câu ca rằng : Nhất Cờn, nhì Quả, Tam Mã, Tứ Trưng. Đền Cờn ngự tại xã Quỳnh Phương (xưa gọi Phương Cần) huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Mỗi độ ra giêng, nhằm ngày 15, nơi đây lại tưng bừng mở hội.

Về Quỳnh Phương độ này, không khí náo nức chuẩn bị cho ngày hội Đền Cờn dường như đã lan đến từng ngõ nhỏ. Khác với những xã vùng ven, thường ngày tết chỉ kéo dài đến ngày mồng 3. Ở Quỳnh Phương, người dân nơi đây đã giữ được thói quen từ nhiều đời truyền lại, thường tiễn đưa ông bà sau ngày hội Đền. Đến ngày hội chính, con cháu của làng dù tất bật buôn ba ở chốn nào cũng cố về vui hội. Nếu không về được, cũng thành kính lập bàn thờ vọng, dâng hương tưởng nhớ về chốn đền thiêng. Ngày vào hội, thuyền bè lại trở về neo đậu phía trước cửa đền, buông neo, giăng đèn, trang hoàng con tàu của mình sao cho thật rực rỡ. Những ngày này, bất cứ du khách thập phương nào cũng có thể men theo chiếc dây neo tàu với bờ để lên tàu, cùng say sưa trong những điệu nhảy, tiếng hát, cùng uống rượu với chủ tàu và người dân địa phương. Rượu ở đây ê hề, người ta sẵn sàng mời bạn ngụm lấy một hớp cầu may dù không biết bạn là ai và từ đâu tới.

Lễ hội Đền Cờn kéo dài từ 15 – 19 tháng giêng. Giống như nhiều lễ hội dân gian khác, lễ hội Đền Cờn gồm có phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, sẽ gồm lễ yết cáo, lễ yên vị, rước kiệu từ đền Trong ra đền Ngoài và rước kiệu từ đề Ngoài vào đền Trong (hai đường thuỷ – bộ), lễ tạ. Về phần hội, du khách thập phương sẽ được đắm chìm trong không gian của những trò chơi dân gian đặc sắc thường diễn ra từ sáng 19 tháng giêng đến tối ngày 21 tháng giêng như cờ thẻ, cờ người, chọi gà, các môn thể thao có đua thuyền truyền thống, bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn. Văn hoá, văn nghệ cũng là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày chính lễ. Tại đây sẽ có các chương trình giao lưu văn nghệ, hát chầu văn, trích đoạn tuồng chèo, chiếu phim video, trưng bày triển lãm lưu động chuyên đề.
 
Điểm nhấn của phần hội Đền Cờn là hội bơi thuyền kéo dài từ 21 đến 24 tháng chạp “21 bơi trai, 22 bơi cọc, 23 bơi giải vàng, 24 bơi giếng giá” và hội rước gỗ thần hay tục chạy ói. Tục chạy ói là nét đặc trưng độc đáo của Lễ hội Đền Cờn. Lễ rước gỗ thần diễn ra trong đêm và cả ngày 21, nhưng dân làng đã chuẩn bị từ ngày 16 đến 20 tháng giêng. Vì đây là hội rước cả đường thủy và đường bộ, lực lượng tham gia là cả 4 giáp, gồm cả nam và nữ; không gian kéo dài từ xã Quỳnh Phương qua các xã Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng và điểm đến là đền Quy Lĩnh - Quỳnh Lương, quãng đường rước gần 10 km đã cuốn hút nhân dân cả vùng.
 
Trong cuộc thiên biến của cuộc sống hiện đại, lễ Hội Đền Cờn cũng không nằm ngoài quy luật phôi phai nhiều nét văn hóa truyền thống. Nhiều giá trị đã ít nhiều bị thương mại hóa. Tuy nhiên, mỗi độ Tết đến, Xuân về, nghe người dân biển vùng này nô nức bảo nhau về chơi hội, mới thấy hội Đền Cờn vẫn còn một sức hút linh thiêng không chỉ trong lòng người dân biển Phương Cần mà còn lan sang nhiều nơi khác. Chẳng thế mà năm nào khai hội, đền Cờn cũng nhộn nhịp khách thập phương về hành lễ.

Đền Cờn cách thủ đô Hà Nội 220km về phía Nam, cách thành phố Vinh 75km về phía Bắc, nằm trên gò Diệc thuộc xã Quỳnh Phương ngày nay, phía trước là sông Mai, phía sau là biển cả, phía Bắc là dãy Hoàng Mai trùng điệp, phía Nam là những núi đá, hang động kỳ thú. Đền Cờn thờ Tứ Vị thánh nương, nữ thần bảo vệ, phù hộ những người làm ăn trên sông nước, đã từng ngầm giúp quân đội nhà Trần rồi nhà Lê vượt biển bình an, chiến thắng Chiêm Thành. Ngày 29/1/1993 đền Cờn được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia.

Nguồn: Báo Nghệ An

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT