Rộn ràng lễ hội múa trống đầu năm của đồng bào Giấy ở Hà Giang
Lễ hội múa trống của đồng bào Giấy ở thôn Nà Trào, xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc, Hà Giang sôi động và đầy màu sắc. Bảy đôi trai gái múa quanh 1 cái trống hình trụ, chiều cao chừng hơn 1m, đường kính hơn 60cm, 1 đầu trống bọc da. Giữa mặt trống có dán hình tròn màu đỏ.
Lễ hội múa trống theo tiếng Giấy là “Lồng trống”. Đây là hình thức sinh hoạt cộng đồng thường diễn ra vào dịp đầu năm, bởi theo quan niệm của đồng bào Giấy, đây là thời điểm giao hòa giữa đất trời, con người với thiên nhiên. Tiếng trống sẽ xua đuổi những điều không may mắn của năm cũ, cầu mong 1 năm mới được mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ, gia đình yên vui.
Lễ múa trống của người Giấy ở thôn Nà Trào xã Tát Ngà bao giờ cũng được mở đầu bằng “lễ xin trống”. Thầy cúng đại diện dân làng đứng ra khấn thần linh, cầu xin thần linh che chở và bảo vệ cho dân làng trước sự đe doạ của các thế lực hắc ám, rồi báo với các thần rằng “năm qua được mùa, cuộc sống no đủ nên dân làng mở hội đón các thần về vui cùng bản làng, xin các thần cho dân làng đánh hồi trống để thông báo cho con cháu khắp nơi biết mà về dự lễ”.
Sau lời khấn cầu của thầy cúng, 7 nam 7 nữ múa vòng tròn sau đó múa từng đôi một, con gái vai đeo túi, các chàng trai gõ mặt trống, còn các cô gái gõ nhẹ vào tang trống. Con trai cầm 2 dùi, con gái chỉ cầm 1 dùi múa trống cầu khấn, xin trời hãy đổ cơn mưa, xin đất hãy chuyển mình.
Người Giấy cho rằng, ông trời tuy ở trên cao nhưng cũng có thể nghe được lời thỉnh cầu của con người và khi đã tế trời, khi trời đã thấu, trời sẽ ban mưa xuống. Và phần kết thúc lễ hội múa trống bao giờ cũng là mục “rước trống cầu may”.
Đồng bào Giấy ở Tát Ngà coi trống là vật báu linh thiêng, là tài sản quý giá, bất khả xâm phạm. Nếu không được phép của thần thánh, trống không bao giờ được mang ra đánh. Trống của làng không thuộc quyền sở hữu của bất cứ cá nhân nào, dù là người có quyền lực nhất trong dòng tộc. Mỗi năm, người Giấy chỉ được mở trống 1 lần duy nhất vào đầu năm mới. Và họ cũng cho rằng trống làng sẽ mang lại nhiều điều may mắn, tốt lành cho từng gia đình nên khi đã kết thúc các phần múa trống, đã có sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng thì cũng là lúc họ rước trống đến từng nhà để cầu may.
Trống rước đến nhà nào thì nhà đó sẽ có được nhiều may mắn, tốt lành. Để đáp lại đoàn rước trống, gia chủ sẽ tặng đoàn những sản phẩm gia đình làm ra như bánh chưng, gà vịt… Và trong ngày hôm đó, đoàn rước trống phải đến đủ tất cả mọi nhà, bởi vì ngày hôm sau họ sẽ phải thu trống cất ở ngôi miếu thiêng đầu làng và chỉ đến Tết năm sau mới được mang trống ra mở hội múa trống.