Hành trang lữ khách

Mùa xuân vui hội Lồng Tồng (Thái Nguyên)

Cập nhật: 14/02/2011 14:02:50
Số lần đọc: 2535
Mưa nhẹ bay, khiến vùng đất Thủ đô gió ngàn ATK Định Hóa như lạnh hơn, nhưng dường như sự khắc nghiệt của thời tiết không ảnh hưởng nhiều tới không khí Lễ hội Lồng Tồng, bởi trên những con đường từ các bản làng nơi lưng núi của vùng đất Bản Pù (Phúc Chu), Cốc Mốc (Linh Thông), Khuổi Lùa (Tân Thịnh)…

từng đoàn người xênh xang áo mới, sặc sỡ sắc màu của đồng bào người Tày, người Dao, người Sán Chí và hàng nghìn du khách thập phương từ Thái Bình; Hà Nội lên, bên Tân Trào (Tuyên Quang) sang, từ Cao Bằng, Bắc Kạn… về, với bước chân hăm hở ngược dốc núi đến sân Đèo De (Phú Đình) dự Lễ hội Lồng Tồng.

 

Trước giờ khai Hội, đồng chí Ma Thị Nguyệt, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Phùng Đình Thiệu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ và các đồng chí lãnh đạo đại diện cho các huyện, thị và thành phố của tỉnh đã đến Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Lễ dâng hương báo công với Người. Đặc biệt, trong Lễ dâng hương còn có các đồng chí lãnh đạo huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Cát Hải (Hải Phòng), "người anh em" kết nghĩa với cán bộ, nhân dân huyện Định Hóa, và những người dân sở tại… Từ Ngọn Đèo De, nơi Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếng chuông, khánh đã gióng lên, ngân vang âm hưởng của hồn thiêng dân tộc, vọng vào miền ký ức đầy ắp niềm tự hào của những người con sinh thành, lớn lên trên vùng đất cách mạng ATK Định Hoá.

 

Trên khán đài được bài trí trang hoàng bởi giàn trống hội, tấm phông hậu đài in đậm dòng chữ  "Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa, Thái Nguyên Xuân Tân Mão 2011" được in nổi lên trên khung nền bản làng vùng cao, những cánh đồng bậc thang bên lưng núi. Trước giờ khai hội, tiếng đàn tính rộn ràng hoà nhịp lời then gây ấn tượng mạnh mẽ. Rồi, cả sân hội như lắng lại, chờ đợi. Già làng Ma Đình Được, 70 tuổi, xóm Đồng Hoàng trang trọng trong chiếc áo cài khuy ngang, dang rộng cánh tay, nhịp từng hồi trống vang rền. Tiếng trống hội thúc vào lòng người, làm bừng tỉnh bao con tim háo hức, khiến đào, mận… ngẩn ngơ - Xuân đã về. Bà Lộc Kim Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Trước đây, Lễ hội Lồng Tồng là ngày hội xuống đồng của người đồng bào Tày, Nùng, nhưng từ nhiều năm nay, Lễ hội này trở thành ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc vùng cao huyện Định Hoá và của tỉnh. Lễ cầu cho Quốc thái-dân an; mưa thuận-gió hoà; mùa màng tươi tốt; mọi người dân cùng được no ấm. Lễ hội nhằm khơi dậy nét truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, như tinh thần đoàn kết trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, đoàn kết trong xây dựng quê hương, đất nước và hiện nay là phong trào giúp đỡ nhau xoá đói giảm nghèo, xây dựng làng, bản, xóm, phố văn hoá của đồng bào các dân tộc…

 

Sân Đèo De lộng lẫy trong sắc cờ Tổ quốc, cờ hội và đủ sắc màu của từng lán trại. Giữa sân được đặt một cây nêu, trên gắn hồng tâm, có tua rua ngũ sắc bay phấp phới. Nhìn những quả còn vun vút bay lượn trên ngọn cây nêu, già làng Ma Đình Được vui lắm, bảo: Cây nêu được chọn là cây mai non nằm giữa bụi, chưa đâm cành, thể hiện sức trẻ và sự sinh tồn. Cây nêu phải có đường kính 40 cm, biểu hiện của 4 mùa; cao 15 mét, trong đó có 12 mét tượng trưng của 12 tháng trong năm, 3 mét còn lại tượng trưng cho "Phúc-Lộc-Thọ". Quả còn được làm bằng vải màu ngũ sắc, tượng trưng cho "Kim-Mộc-Thổ-Thuỷ-Hoả", trong quả còn ngoài gạo nếp, còn có thêm đất, cát tượng trưng cho sự phì nhiêu của bồi bãi. Hội Lồng tồng được mở cho tới khi nào có trai tráng ném quả còn thủng giấy hồng tâm trên ngọn cây nêu… Theo phong tục địa phương, người được dân làng giao nhiệm vụ tìm chọn cây nêu cho Lễ hội Lồng tồng phải là người mạnh khoẻ, sống có đạo đức, con cái thành đạt, là người có uy tín với dân làng… Từ 10 năm nay, kể từ khi Lễ hội Lồng Tồng được huyện Định Hóa và tỉnh Thái Nguyên phục dựng lại, thì 10 năm nay già Được là người tìm chọn cây nêu cho Lễ hội.

 

Giữa những tiếng hò reo, từng quả còn ngũ sắc vẫn lượn bay trên không trung, như trăm cánh hoa làm đẹp cả khung trời Thủ đô gió ngàn. Trên sân khấu Lễ hội, tiếng chuông, trống, tiếng kèn đồng rổn rảng cầu mùa, cầu phúc của thầy Tào người dân tộc Tày, người Sán Chay và người Dao làm không khí của phần Lễ thêm linh thiêng. Tiếp đến là phần trình diễn múa rối Thẩm Rộc của các nghệ nhân "chân lấm tay bùn" xã Bình Yên. Vui nhộn nhất phải kể tới phần trình diễn múa Lân, múa Sư tử, hát dân ca của 32 đơn vị trong huyện Định Hóa, trong đó gồm 24 xã, thị trấn; Khối dân Đảng; Khối chính quyền huyện; Khối sản xuất Kinh doanh; Hội Văn học Nghệ thuật; Ban Quản lý Di tích Lịch sử - Sinh thái ATK; 2 trường THPT Định Hoá; Bình Yên và Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Các đơn vị tham gia đều tổ chức cắm trại theo phong cách nhà sàn truyền thống và trại dựng mô phỏng theo kiến trúc hiện đại. Trong mái trại của xã Phú Đình, ông Lường Văn Lợi, Bí thư Đảng uỷ xã nói với chúng tôi ngoài việc chuẩn bị các phần nghi lễ, các tiết mục tham gia của đơn vị mình, chúng tôi còn huy động lực lượng phối hợp với Ban tổ chức Lễ hội làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho Lễ hội như ruộng thi cấy, cầy và sẵn sàng giúp đỡ các đơn vị bạn cũng như người dân thập phương về với Lễ hội Lồng Tồng.

 

Là đơn vị "chủ nhà", nên những ngày diễn ra Lễ hội, cán bộ, nhân dân xã Phú Đình bận rộn hơn, hầu hết các phần thi Phú Đình đều có tiết mục tham gia. Nhưng theo ông Lợi thì việc thi là để thi cho tăng phần không khí, còn chuyện giải thì… toàn dân được vui, chắc chắn mùa màng sẽ tươi tốt, cây lúa dưới ruộng cho bông to, hạt bắp trên nương cho hạt mẩy, nhà nhà được yên ấm rồi. Khi vào thăm trại của xã Lam Vĩ, chúng tôi được ông Mông Đình Tường, Chủ tịch UBND xã và bà con Lam Vĩ tiếp đón nồng nhiệt. Ông Tường bảo: Lễ hội Lồng Tồng là một trong những hoạt động văn hoá, có tính truyền thống lâu đời, nên tuy xã còn khó khăn nhưng chúng tôi đã chuẩn bị cho Lễ hội này từ hơn 2 tháng trước. Năm nay, xã tham gia các phần thi giã bánh giày, thi văn nghệ, bắn nỏ, cờ tướng, kéo co… Hầu hết các phần thi xã đều có người tham gia… Ông dừng lời, bày lên giữa sàn trại những chiếc bánh giày cùng chai rượu nút lá chuối, với tấm lòng thịnh tình, bảo: Bánh giày của chúng tôi được làm bằng gạo nếp hoa vàng, nhân đỗ xanh, phẩm nhuộm bánh có màu hồng đỏ được giã, lọc từ lá cây rừng… Nhấp chén rượu sóng sánh say, chúng tôi hiểu chiếc bánh giày của bà con làm trong Lễ hội Lồng Tồng còn có ý nghĩa tượng trưng cho vạn vật trong trời đất, là món ăn ngon tạo hoá ban phát cho con người. Mang về Lễ hội, đồng bào các dân tộc ATK Định Hóa còn có ống cơm lam, các loại dược liệu quý hái trong rừng và thổ cẩm…

 

Ống cơm lam, chiếc bánh giày, vuông thổ cẩm… cũng từ đôi bàn tay khéo léo cày, cấy của đồng bào mà ra. Vì thế trong Lễ hội Lồng Tồng, dù có các nghi lễ, trò chơi hay cuộc thi thố tài năng giữa các trai, gái bản cũng không thể thiếu được phần cày đất gọi mùa, nhộn nhịp hơn phải kể tới phần thi cấy. Ruộng cấy được tổ chức ở cánh đồng Tỉn Keo, trong tiếng trống giục thùng thùng hối thúc, chỉ một loáng các thôn nữ mang sắc phục truyền thống đã thực hiện xong phần thi. Thí sinh mang báo danh số 20, Chị Hoàng Thị Tâm, đại diện cho xã Định Biên nói với chúng tôi khi vừa bước chân lên khỏi mặt ruộng: Tôi cũng như các thí sinh khác thực hiện cấy 6 hàng lúa, dài 20 mét, mọi người cùng thi cấy nhanh, cấy đúng mật độ khóm, dảnh và phải bảo đảm kỹ thuật nông tay, gọn, đều, thẳng hàng, đẹp mắt… Được biết, đây là lần thứ 2 chị Tâm tham gia thi cấy ở Lễ hội Lồng Tồng. Người được chọn thi cấy thường là những phụ nữ trông dễ coi, nhanh tay nhưng không ẩu. Bên lề Hội thi cấy, bà Ma Thị Tôm, 85 tuổi kể thêm với chúng tôi: Ngày còn nhỏ, tức thời đất nước mình chưa có độc lập, Hội thi cấy được tổ chức ở cánh đồng Khuôn Lang, có chị em cấy đến đầu bờ, ngã gục xuống vì chết đói. Bây giờ dân mình no ấm, các chị đi cấy cũng phải mặc trang phục đẹp, khi cấy không được để lấm bùn vào trang phục, sướng quá cháu ạ.

 

Trở lại sân Đèo De, những trò hội Kéo co, Cờ tướng, Bịt mắt bắt dê, Đẩy gậy, Bắn nỏ, bóng chuyền, bóng đá có sức hấp dẫn, thu hút được nhiều người tham gia. Tôi gặp trong cổ vũ náo nhiệt ấy, ông Nguyễn Phúc Đình, xóm Làng Á, xã Lam Vĩ. Ông Đình cho biết: Tuy là người Định Hóa, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đi dự Lễ hội Lồng Tồng. Tôi chỉ muốn nói với mọi người: Lồng tồng, không đi cũng thiệt… Còn bà Trần Thị Thơm, 79 tuổi, người Chí Linh (Hải Dương) lên Thái Nguyên, được các con, cháu đưa đi dự Lễ hội. Bà Thơm nói vui: Tôi đã đi Lễ hội này từ 3 năm nay, 3 năm là thành "chính quả", nhưng năm tới và những năm sau nữa, còn sức khoẻ, tôi còn đến với Lễ hội Lồng tồng. Đến đây, tôi được thắp hương ở Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đi thăm các điểm di tích lịch sử văn hoá của Tỉn Keo, Khuôn Tát và sang thăm thủ đô Kháng chiến Tân Trào (Tuyên Quang).

 

… Đêm lửa trại được tổ chức giữa sân Tỉn Keo, với vòng tay lớn đoàn kết của đồng bào các dân tộc. Ngọn lửa bập bùng, âm vang nhịp hát cùng điệu nhảy sạp vui nhộn, xua đi bóng đêm u ám của lạc hậu, nghèo khó, để đón xuân mới tràn về, ấp áp khắp miền đất Thủ đô gió ngàn ATK Định Hóa. Nhìn ngọn lửa xua đi lạnh giá của đêm đông, tôi thầm nhủ với lòng mình: Mùa gieo hạt năm nay bắt đầu.

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Cùng chuyên mục