Non nước Việt Nam

Rước kiệu - nét đặc sắc của lễ hội ở Lạng Sơn

Cập nhật: 25/02/2011 14:30:46
Số lần đọc: 3111
Trong một lễ hội (LH), thường sẽ bao gồm phần lễ và phần hội. Đối với LH dân gian thì hai phần này được phân định khá rõ. Phần lễ sẽ gồm các nghi thức tế lễ, cầu cúng, dâng lễ… Còn phần hội gồm các trò chơi, trò diễn. Nếu xét theo cách phân chia trên thì nghi lễ rước kiệu chính là một trò diễn. Và ngày 22 - 27 tháng giêng, nhân dân và du khách lại náo nức đón chào nghi lễ này trong LH đền Kỳ Cùng và Tả Phủ ở thành phố Lạng Sơn (TPLS).
Trên địa bàn tỉnh nói chung, TPLS nói riêng không nhiều LH có nghi lễ này. Tại Bắc Sơn, người dự hội được chiêm bái rước kiệu tại LH xã Quỳnh Sơn ngày 12, 13 tháng giêng… Còn trên địa bàn thành phố, nghi lễ này, nếu so với mấy những năm trước đây chỉ thấy tại LH đền Kỳ Cùng và Tả Phủ Kỳ Lừa ngày 22 - 27 tháng giêng thì nay đã có thêm tại LH chùa Tam Thanh - Nhị Thanh ngày 15 tháng giêng. Song nhìn chung, nghi lễ rước kiệu tại TPLS so với các địa bàn khác vẫn là tưng bừng, náo nhiệt nhất. Cứ mỗi độ xuân về, bước vào mùa LH rất nhiều người mong ngóng đến ngày có nghi lễ này. Điều đáng nói là, nghi lễ được nhân dân chiêm bái, đón chào rất trọng thịnh. Biểu hiện cụ thể là, tại các dãy phố, trục đường mà đoàn rước kiệu đi qua, các gia đình đều sắm sửa những mâm lễ rất tươm tất. Có dãy phố, trục đường các tổ liên gia họp lại với nhau để sắm lễ chung. Tất cả đều thể hiện một sự thành kính và niềm phấn khởi chào đón ngày hội và nghi lễ. Theo quan niệm dân gian, mỗi năm chỉ có một lần kiệu các vị thần được nhân dân tôn kính rước qua trước cửa nhà. Đây là dịp may hiếm có, dịp tốt để cầu ước những điều tốt lành, may mắn sẽ đến với bản thân, gia đình và cộng đồng, làng xóm trong năm mới… Chính đó mà nhân dân đã sắm lễ rất trang trọng để nghênh đón đoàn rước kiệu. Đối với LH chùa Tam Thanh - Nhị Thanh ngày 15 tháng giêng là rước kiệu bài vị danh nhân Ngô Thì Sĩ từ chùa Nhị Thanh sang Tam Thanh dự hội rồi sau đó rước về. Với LH đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ Kỳ Lừa từ ngày 22 - 27 tháng giêng thì nghi lễ rước kiệu sẽ được tiến hành trong hai ngày 22 và 27 tháng giêng. Theo đó, ngày 22 là kiệu từ đền Kỳ Cùng sẽ được rước lên đền Tả Phủ Kỳ Lừa. Đến ngày 27 sẽ rước từ đền Tả Phủ về đền Kỳ Cùng. Nghi lễ này gắn với hai nhân vật được nhân dân tôn kính là quan lớn Tuần Tranh (đền Kỳ Cùng) và Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài (đền Tả Phủ). Trên cơ sở thời gian và hành trình do Ban tổ chức công bố, nhân dân ở các đường phố có đoàn rước kiệu đi qua sẽ chuẩn bị lễ để nghênh đón. Trong mâm lễ thường có đủ xôi, gà, hoa, quả, bánh kẹo,… nếu có điều kiện hơn nữa thì có thêm chú lợn quay vàng rộm, thơm nồng hương vị mác mật - một đặc sản ẩm thực của Xứ Lạng nức tiếng gần xa. Trong mấy năm trở lại đây, do điều kiện kinh tế của người dân khấm khá hơn nên sự xuất hiện của những chú lợn quay trong mâm lễ nghênh đón đoàn rước kiệu ngày càng nhiều hơn. Điều đó đã phần nào thể hiện sự chào đón, mong ngóng của nhân dân đối với nghi lễ hấp dẫn và quan trọng này cũng như phản ánh đời sống kinh tế của nhân dân ngày càng được nâng cao. Bao giờ cũng vậy, dẫn đầu đoàn rước kiệu là các đội sư tử, rồng thật oai phong, rực rỡ sắc màu. Trong tiếng trống, chiêng rộn rã, đoàn rước đi đến đâu được nhân dân ùa ra đón chào đến đó. Để ý thấy, rất nhiều người khi đoàn rước kiệu đi tới đã chắp tay vái rất trân trọng và thành kính. Đặc biệt, các gia đình sắm lễ nghênh đón rất vui được các đội sư tử, rồng dừng chân vào múa chúc mừng năm mới, chúc gia chủ tấn lộc, tấn tài, an khang thịnh vượng. Dân gian quan niệm, nếu đội sư tử, rồng ghé vào chúc mừng thì năm đó gia đình sẽ có nhiều điều hanh thông, viên mãn, hỷ sự. Và đó như là một cách xua đi tất cả những điều xui xẻo, không may mắn trong năm cũ để đón rước những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới… Có thể nói, nghi lễ rước kiệu trong một số LH tiêu biểu ở TPLS đã góp phần làm cho LH đến gần với mỗi người dân và du khách hơn. Đó chính là cầu nối giữa lễ và hội. Sự tấp nập, náo nức và trang trọng của nghi lễ đã khắc họa sâu trong tâm trí của mỗi người về những nét đẹp văn hóa trong LH. Đồng thời khiến cho mỗi người nhớ đến các nhân vật được nhân dân đón rước một cách sâu sắc hơn. Đó thực sự là một cách giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa của quê hương, đất nước, dân tộc cho mọi người thiết thực.
   

Mỗi độ xuân về, chiêm ngưỡng nghi lễ rước kiệu trong LH ở TPLS, mỗi người sẽ thấy lòng chộn rộn, xốn xang hơn. Tin rằng, trong nghi lễ rước kiệu xuân Tân Mão 2011 này, mỗi người sẽ có thêm nhiều cảm nhận ý nghĩa.

Nguồn: Báo Lạng Sơn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT