Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế sẽ xã hội hóa tổ chức Lễ tế Xã Tắc

Cập nhật: 03/03/2011 09:03:19
Số lần đọc: 2186
Ngày 02/3, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Thừa Thiên-Huế, ông Phùng Phu cho biết Lễ tế Xã Tắc năm 2011 sẽ được tổ chức từ 18 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày 20/3 tới (tức ngày 16/2 Âm lịch).

Lễ tế Xã Tắc đã được tổ chức thành công trong các kỳ Festival Huế 2008 và năm 2010. Năm nay, Lễ tế Xã Tắc sẽ tiếp tục tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, giới thiệu không gian diễn xướng của những loại hình Đại nhạc, Nhã nhạc, Múa cung đình, trình diễn vẻ đẹp của văn hóa nghi lễ và trang phục truyền thống cung đình Huế xưa.

 

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thông báo và mong muốn từ nay trở đi, các doanh nghiệp, các nhà tài trợ trong và ngoài nước tham gia tài trợ cho Lễ tế Xã Tắc, nhằm xã hội hóa công tác tổ chức lễ hội. Mọi trao đổi, đóng góp xin gửi Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế hoặc về email: huedisan@gmail.com.

 

Đàn Xã Tắc của vương triều Nguyễn được xây dựng vào năm 1806 dưới thời Gia Long, nằm trong phạm vi Kinh thành. Đây là nơi nhà vua cúng tế Xã (thần Đất) và Tắc (thần Lúa). Người xưa quan niệm, Xã là thần lớn nhất trong năm vị thần...

 

Tắc là loại quý nhất trong ngũ cốc. Tắc mà không có xã thì không sinh trưởng được. Xã mà không có tắc thì hoang vu. Cho nên hiệp tế xã-tắc là công lợi ngang nhau. Lễ tế Xã Tắc là một nghi lễ truyền thống quan trọng ở Việt Nam nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm, thiên hạ thái bình. Các triều đại ở Việt Nam, từ Đinh, Lý, Trần, Lê đến Nguyễn đều cử hành Lễ tế Xã Tắc vào mùa Xuân hàng năm và luôn xem đây là quốc lễ.

 

Vua chúa triều Nguyễn khi xây dựng đàn đã cho lấy đất của tất cả các nơi trong cả nước, vì thế mà nó mang một ý nghĩa đặc biệt linh thiêng. Nhà vua đã xuống chiếu sức cho các địa hạt trong cả nước phải lấy đất sạch, các loại chuyên chở về Kinh đô để đắp đàn Xã Tắc.

 

Như vậy, nền đất của đàn được đắp bằng đất của cả nước, tượng trưng cho máu thịt của non sông. Theo sử liệu, đàn Xã Tắc của Cố đô Huế rộng đến 6ha, nằm giữa bốn con đường hiện nay là Ngô Thời Nhiệm, Trần Nguyên Hãn, Trần Nguyên Đán và Nguyễn Cư Trinh. Đó là chưa kể hồ Xã Tắc cạnh đường Ngô Thời Nhiệm và tấm bình phong nằm phía Nam đường Trần Nguyên Hãn...

 

Trải qua thời gian cùng các biến động lịch sử, chỉ duy nhất tại Cố đô Huế hiện nay còn bảo tồn được đàn tế Xã Tắc bên trong kinh thành Huế. Lễ tế Xã Tắc với tính chất một lễ hội cung đình cũng đã được nghiên cứu và phục hồi thành công, trở thành một nghi lễ văn hóa độc đáo ở Thừa Thiên-Huế hiện nay, thu hút khách thập phương.../.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục