Hành trang lữ khách

Chuông chùa Khúc Toại, Bắc Ninh

Cập nhật: 03/03/2011 09:03:52
Số lần đọc: 3727
Thôn Khúc Toại (xã Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh)  nổi tiếng với nghề làm mộc gia dụng được dân gian truyền tụng và ca ngợi rằng “Mã Đông Hồ, đồ làng Chọi”. Nơi đây còn là vùng đất có truyền thống văn hoá rất lâu đời, nơi lưu giữ quả chuông đồng cổ nhất xứ Kinh Bắc và là một trong những quả chuông cổ nhất nước ta.

Chuông đồng của thôn Khúc Toại là một trong những di sản văn hoá độc đáo từ thời Lê còn tồn tại được đến ngày nay. Chuông có tên là “Tân Tạo Chú Hồng chung Diên Phúc Tự” được đúc xong vào ngày 23 tháng 10 năm Mậu Tý (1648) được bảo lưu tại chùa Khúc Toại, xã Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh. Đến nay, chuông đã có hơn 400 năm tuổi hiện vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Toàn bộ  thân chuông khắc chữ Hán có ghi lại nguồn gốc ra đời của chuông. Theo đó, một nhà sư có tên là Minh Trực thấy chùa làng chưa có chuông nên muốn làm phúc tạo chuông, lại gặp được vợ chồng đô đốc Trung quân Dương Bá Hợp và vợ là Lê Thị Học Thái rất mộ đạo Phật cùng với quý khách thập phương đúc chuông. Chuông cao 1,4 m, đường kính miệng 70cm, quai chuông là một con rồng chung thân có hai đầu quay về hai hướng. Miệng rồng ngậm ngọc, có râu dài và nhọn, mình rồng hiện lên những lớp vẩy, sống lưng có hàng vây nổi lên cho thấy nghệ thuật điêu khắc thời kỳ này rất phát triển. Thân chuông chia làm 8 phần, ngăn cách giữa các phần là những đường gân nổi chạy dọc. Điểm giao giữa những đường gân có một núm gõ nổi lên. Miệng chuông được khắc những hoa văn độc đáo. Nội dung ghi trên chuông là việc công đức của các sư sãi, hương lão, quan viên trong xã cũng như nam nữ thập phương đúc quả chuông này, một số câu đối cổ có nội dung ca ngợi Phật pháp; những lời bàn quả chuông và bài Minh ca ngợi quê hương trù phú đã khẳng định tên một số địa danh từ thời trước còn tồn tại tới ngày nay:

 

“Yên Phong tên huyện

Khúc Toại xã Hương

Chùa danh Diên Phúc

Trấn cõi phương Nam

phong cảnh tươi đẹp…”.

 

Trên chuông chùa Khúc Toại có ghi lời ban rất sâu sắc và ý nghĩa về việc đúc chuông cho biết về lịch sử tín ngưỡng các thời đại trước: “Kìa chuông là khí của ngũ hành, là thanh của ngũ âm. Vua sáng nghe được sẽ chăm lo được việc triều chính, phật hiền sẽ chăm lo việc làm phúc. Như vậy thì phép nhà phật và phép nhà vua là giống nhau. Từng được nghe thấy nước Việt Nam ta từ thời Lý, Trần đến nay luôn quý trọng đạo Phật và thường được linh nghiệm rõ ràng. Cho nên mới có việc xây Tháp Bảo Thiên, tạc tượng phật chùa Quỳnh Lâm, tạo đình chùa Phổ Minh, đúc chuông lớn chùa Phả Lại, gọi là Tứ Khí An Nam”... (Theo bản dịch của Ban Quản lý di tích tỉnh)

 

Ông Nguyễn Văn Tăng, Trưởng Ban quản lý di tích đền chùa thôn Khúc Toại cho biết: “Năm 1947 khi giặc Pháp đánh chiếm phá huỷ cây cầu nhân dân trong làng phải tháo chuông giấu xuống sông Ngũ Huyện Khê. Đến năm 1956, nhân dân trong làng đã vớt chuông lên, sau khi vớt lên chuông vẫn nguyên vẹn”.

 

Ông Tăng cũng cho biết thêm: Quả chuông này khi thỉnh thì phát ra âm thanh rất vang ngân xa hơn so với những chuông khác. Chuông làng chỉ vang lên vào những dịp lễ hội hay những việc trọng đại của làng”.

 

Theo thạc sĩ Đỗ Thị Thuỷ, Ban quản lý di tích tỉnh: Đây là quả chuông cổ nhất của tỉnh Bắc Ninh và là một trong những quả chuông cổ nhất của nước ta. Chuông cho biết về niên đại của chùa và biết được phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của địa phương và các triều đại trước cũng như ca ngợi danh lam thắng cảnh của quê hương đất nước. Chuông đồng không chỉ  là một cổ vật quý báu của thôn Khúc Toại mà còn của cả quê hương đất nước cần được bảo tồn và phát huy.

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Cùng chuyên mục