Độc đáo tượng gỗ dân gian Tây Nguyên
Theo PGS.TS Ngô Văn Doanh “Nếu đến các khu nhà mồ Tây Nguyên ta sẽ như lạc vào cả một khu mê cung của rừng tượng gỗ với rất nhiều những hình tượng khác nhau. Thế nhưng, chỉ cần đi nhiều một chút là sẽ nhận ra một hàng số xuyên suốt qua các nhóm tượng: Hình ảnh về sự sinh thành. Thông thường, ở hai bên cửa nhà mồ đều có một cặp tượng trai gái hoặc đang phô bày cơ quan sinh dục của mình hoặc đang giao hoan. Đứng bên cặp tượng trai gái đó là tượng người đàn bà chửa, còn ở các góc rào xung quanh nhà mồ là tượng những hài nhi đang ngồi… Đây là lớp tượng đầu tiên biểu hiện ý niệm về sinh thành bằng 3 hình ảnh: Giao hoan, đàn bà chửa và hài nhi. Vì để thể hiện một hình tượng, một ý niệm, nên những con người ở lớp tượng mồ cổ không phải là một con người cụ thể mà là “con người chung”, “con người khái quát”, “con người vũ trụ”…
Theo quan niệm của người Tây Nguyên, chết là bắt đầu cuộc sống mới ở một thế giới khác-thế giới bên kia, thế giới của hồn ma. Hiện nay, nghi thức sinh thành được quan niệm và thể hiện qua hành động giao hoan không còn nữa, tuy nhiên đâu đó vẫn còn bắt gặp hình ảnh khái quát đó trên các cột tượng tại nhà mồ.
Từ lâu ai cũng biết sự độc đáo của điêu khắc gỗ dân gian Tây Nguyên. Những người tạc tượng này tạm gọi là nghệ nhân, từ sinh động cuộc sống, quan niệm về vòng đời, sự sinh tồn của vạn vật đã thấm đẫm trong tư duy để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ phong phú, đa dạng như: Người ngồi, ôm mặt, mẹ cõng con, đánh trống, mẹ bồng con, đeo gùi, mang nước, sảy gạo, phụ nữ có mang, khỏa thân, giao hoan, tượng khỉ, tượng chó…
Tượng nhà mồ thuộc loại tượng tròn trong nghệ thuật điêu khắc, tuy nhiên cách đẽo gọt bằng các dụng cụ thô sơ như rìu, rựa trên khúc gỗ đặt nằm ngang trên mặt đất, đã tạo nên những mảng, khối hình học, gợi tả được thần thái của nhân vật. Không cầu kỳ, chi tiết, kể lể; không tính toán tỷ lệ cơ thể, nhưng nhìn vào ta có thể cảm nhận được sự sâu thẳm của chia ly, nuối tiếc; sự đăm chiêu, trầm mặc với thời gian… Đây là nét tương đồng của nghệ thuật điêu khắc dân gian một số nước Nam Mỹ. Cách tạc này rất gần với lối điêu khắc hiện đại ngày nay.
Trong những năm gần đây, sự ảnh hưởng nhiều mặt của xã hội đã tác động không nhỏ đối với người làm tượng nhà mồ Tây Nguyên. Những người thợ đẽo tượng gỗ dân gian Tây Nguyên hiện nay thích làm giống thật hơn, cầu kỳ hơn, nhiều nội dung hơn, do đó đã phần nào mất đi giá trị nguyên bản có tính khái quát cao và mang hơi hướng nghệ thuật lớn vốn có của mình.
Để bảo tồn vốn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai đã tổ chức lớp truyền dạy làm tượng cho những người yêu thích và có năng khiếu của đồng bào dân tộc Jrai và Bahnar trong tỉnh với 15 học viên tham gia. Khác hơn trong nhóm người làm tượng có ông Ksor Kroh (SN 1945, xã Ia Ka, huyện Chư Pah) đã biết theo cha làm tượng từ lúc 20 tuổi, tuy nhiên khoảng 10 năm nay ông đã có thêm sáng tạo trên nét cơ bản truyền thống, cũng bằng các mảng khối chắc khỏe nhưng bố cục uyển chuyển, linh hoạt và có nhịp điệu hơn. Tỷ lệ hình và cấu trúc giải phẫu học tương đối chính xác, tiếp cận được kỹ thuật của loại tượng tròn thông thường. Ông cũng là một trong 2 nghệ nhân tham gia truyền dạy lớp tạc tượng của tỉnh. Đây là một trong số ít ỏi người làm tượng gỗ dân gian Tây Nguyên của Gia Lai còn lưu lại và biết sáng tạo từ nghề truyền thống của cha ông.
Như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã từng nói: Theo phong tục của người Tây Nguyên, tượng nhà mồ làm ra để phục vụ cho lễ bỏ mả và chỉ có tác dụng trong lễ bỏ mả mà thôi. Sau lễ bỏ mả thì cả nhà mồ và tượng nhà mồ cũng bị bỏ luôn. Năm tháng, nắng mưa sẽ dần dà làm hư hỏng rồi tan biến những tác phẩm tượng gỗ vào đất. Cả một di sản văn hóa nghệ thuật cứ mất dần và ngày càng suy thoái nếu ngay từ bây giờ không có biện pháp để gìn giữ và bảo tồn.