Hoạt động của ngành

Hướng tới “Tuần Văn hóa - Du lịch Sầm Sơn 2011”: Về miền du lịch huyền thoại Nga Sơn

Cập nhật: 21/04/2011 10:01:27
Số lần đọc: 2553
Từ thành phố Thanh Hóa, vượt cung đường hơn bốn chục km chỉ hơn một giờ đồng hồ, chúng ta sẽ về với miền cổ tích Nga Sơn - nơi con người, dòng sông, ngọn núi, hang động, ngôi đền... đều nhuốm màu huyền thoại.

Đến Nga Sơn chúng ta có thể leo núi, vào động Từ Thức, động Bạch Ái, Phù Chèo, Thần Phù; thăm đền  Mai An Tiêm, chùa Tiên, vườn Đào Tiên hay du thuyền trên hồ Đồng Vụa và cửa Thần Phù... Tham quan khu du lịch làng nghề truyền thống như dệt chiếu, nghề mộc, mỹ nghệ, đan lát mây tre xuất khẩu... Nga Sơn còn nổi tiếng với dưa hấu đỏ, các đặc sản văn hóa ẩm thực như gỏi cá nhệch, dê núi đá, rượu Chính Đại... tất cả như được tạo hóa sắp đặt nên vùng quê huyền thoại thấm đậm những câu chuyện cổ tích, một tiềm năng du lịch quan trọng và rất riêng của huyện.

 

Trong rất nhiều di tích, danh thắng ở Nga Sơn có di tích đã xếp hạng cấp quốc gia, có di tích xếp hạng cấp tỉnh, có di tích chưa kịp làm hồ sơ, nhưng di tích nào cũng thực sự có giá trị.  Nhiều xã, di tích đan xen nhau (nhiều người còn tính cứ 2 km có 1 di tích) như: Nga Thiện, Nga Giáp, Nga An, Nga Phú và Nga Điền. Đặc biệt 2 xã Nga An và Nga Thiện, mỗi xã có tới 3 di tích cấp quốc gia. Thế núi, hình sông, đồng bãi của Nga Sơn được hình thành với nhiều cảnh sắc đẹp đẽ và nên thơ. Đến bất cứ nơi đâu trên miền đất cổ được phù sa bồi đắp  này chúng ta đều bắt gặp những danh thắng đẹp, mang đậm hồn người:

 

Lênh đênh qua cửa Thần Phù

Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm.

 

Cửa Thần phù - ngã ba một thời là cửa biển hiểm nguy, nơi chúng tôi bắt đầu hành trình chuyến du thuyền trên sông Hoạt. Dọc đôi bờ sông là dãy núi Tam Điệp bên bờ bắc và dãy núi đá vôi không tên bên bờ nam ẩn chứa biết bao giá trị văn hóa quý giá, với những cảnh quan kỳ thú, sơn thủy hữu tình như: Động Lục Vân, động Trúc Sơn - nơi còn lưu nhiều dấu bút đề của các vị vua triều hậu Lê. Đến núi Lã Vọng, núi Rồng Hổ tranh ngọc, vào động Bạch Á, chùa Hoàng Cương cùng nằm trên triền sông Hoạt...  như thu vào tầm mắt mình biết bao giá trị của một vùng trầm tích văn hóa.

 

Đến thắp hương ở đền thờ Mai An Tiêm, được nghe “Sự tích quả dưa đỏ”, mà chủ nhân là Mai An Tiêm thuở Hùng Vương, người đầu tiên chinh phục biển cả và mở ra giao thương hàng hải với sản phẩm dưa đỏ. Thăm động Từ Thức (hay là động Bích Đào), xã Nga Thiện - một hang động đẹp nổi tiếng với nhiều hình thù sinh động, kỳ thú, huyền ảo gắn liền với những tình tiết trong thiên tình giữa chàng Từ Thức đã cởi áo để chuộc cho Giáng Hương con gái Ngọc Hoàng tại Lễ hội hoa Mẫu Đơn  và sau đó họ đã về trời hay chỉ là lời giáo huấn của người xưa về sự từ bi, cứu độ. Chỉ 2 truyện cổ tích vừa hư, vừa thực, vừa giàu chất lịch sử lại đượm sắc màu truyền thuyết này,  chứng tỏ  người Nga Sơn có tấm lòng quả cảm, ý chí tự lực, tự cường, tài năng và trí tuệ dẫu tột đỉnh vinh quang mà không màng danh vị, đạo lý sáng ngời. Trong đời sống văn hóa và tâm linh thì ít có miền quê nào mà trong tâm thức của người dân nơi đây các tôn giáo và tín ngưỡng đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau cùng phát triển. Chính sự đặc thù đó đã đưa Nga Sơn trở thành miền đất của lễ hội xuân thu nhị kỳ thu hút hàng vạn du khách đến tham quan, dự lễ hội, như: Lễ hội Mai An Tiêm (Nga Phú), lễ hội Chùa Tiên (Nga An), lễ hội Cầu Ngư (Nga Bạch), lễ hội Thiên chúa giáo vùng Nga Liên, lễ hội Ba Đình... và hàng trăm hội làng hấp dẫn, rực rỡ sắc màu lung linh huyền ảo, gợi nhớ về nguồn, tri ân công đức các bậc tiền nhân.

 

Nga Sơn, miền đất gọi về cội nguồn, dải đất dầm mình bên chân sóng này từng in dấu những chiến công và kỳ tích phi thường trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc còn ghi lại qua  những di tích lịch sử như: Chiến khu Ba Đình, đền thờ Trần Hưng Đạo, đền thờ nữ Tướng Lê Thị Hoa, Phủ Trèo, Phủ Thông, chùa Bạch Tượng, chùa Bạch Á, chùa Thạch Tuyền... Ví như ở xã Nga An, ngoài Phủ Thông thờ Trần Khát Chân, danh tướng thời Trần đã có công đánh bại Chế Bồng Nga dẹp yên giặc Chiêm Thành nơi biên viễn phương Nam, Phủ Trèo thờ Áp Lãng chân nhân tôn thần, còn có chùa Tiên. Những năm gần đây, chùa được các phật tử công đức đã khởi dựng lại nhiều hạng mục công trình với kiến trúc khá đặc sắc trên một không gian khoáng đạt. Ngay sau chùa là hồ Đồng Vụa như chiếc gương trong bốn mùa nước xanh ngăn ngắt soi bóng rừng cây, giữa bốn bề núi dựng rất thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng bởi khí hậu và cảnh quan khá phù hợp. 

 

Tiềm năng du lịch ở Nga Sơn rất phong phú và hấp dẫn. Tuy nhiên, hầu như tất cả những di tích, danh thắng quý báu này chưa được nghiên cứu, quy hoạch, đầu tư để khai thác và phát huy giá trị một cách bền vững. Ông Mai Văn Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nga Sơn, cho biết: Về giá trị của những di tích, danh thắng này, huyện nhận thức được và đã xây dựng như một vùng kinh tế thứ 4 - vùng kinh tế công nghiệp không khói. Những năm gần đây, được UBND tỉnh, các ngành, các cấp quan tâm và với sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương, nhiều di tích thắng cảnh trên địa bàn được tôn tạo, nâng cấp như: Động Từ Thức, đền thờ Mai An Tiêm, khu di tích lịch sử Ba Đình... Nhưng, cơ sở hạ tầng như đường giao thông, nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí... vẫn đang ở mức độ “khiêm tốn”, chưa đáp ứng được nhu cầu của việc khai thác tiềm năng du lịch ở Nga Sơn. Để Nga Sơn là một trong 10 trọng điểm du lịch của tỉnh cũng là trọng điểm du lịch quốc gia, hiện tại,  các ngành chức năng cùng với huyện đã và đang triển khai xây dựng nhiều chương trình du lịch hấp dẫn, làm thức dậy một vùng du lịch - vùng quê huyền thoại, đầy tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn của xứ Thanh, như xây dựng một tour du lịch từ động Từ Thức đến di tích Mai An Tiêm rồi về Nga Điền; du lịch sinh thái trên sông Hoạt và núi Tam Điệp; xây dựng  tuyến du lịch từ Sầm Sơn về khu sinh thái Đông Bắc Nga Sơn nghỉ dưỡng và chữa bệnh. Đặc biệt, tour du lịch “Về miền quê cổ tích” sẽ là  một trong những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa của ngành du lịch tỉnh, trong “Tuần Văn hóa – Du lịch Sầm Sơn 2011”.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục