Xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch đặc trưng
Khai thác lợi thế vùng miền
Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, bản đồ phát triển du lịch Việt Nam được chia thành 3 vùng: vùng du lịch Bắc bộ, vùng du lịch Bắc Trung bộ và vùng du lịch Nam Trung bộ và Nam bộ. Trong đó, mỗi vùng đã được quy hoạch phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng. Vùng du lịch Bắc bộ là: du lịch văn hóa kết hợp với du lịch tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng; vùng du lịch Bắc Trung bộ là: du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa và cách mạng, đặc biệt là các di sản văn hóa thế giới; vùng du lịch Nam Trung bộ và Nam bộ là: du lịch tham quan, nghỉ dưỡng biển và núi, du lịch sông nước, du lịch sinh thái đồng bằng châu thổ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đến nay Việt Nam vẫn chưa thật sự có những sản phẩm du lịch đặc trưng mang bản sắc dân tộc Việt Nam. Chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao nhưng giá cả thì lại thiếu cạnh tranh. Điều này lý giải tại sao lượng du khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt là lượng khách đến rồi quay lại lần 2, lần 3 rất hiếm. Vì vậy, để thu hút khách du lịch như mục tiêu chiến lược đề ra, từ năm 2011, Tổng cục Du lịch sẽ chỉ đạo phát triển sản phẩm - thị trường du lịch theo hướng tập trung xây dựng các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút khách du lịch theo các phân đoạn thị trường. Trong đó, đặc biệt chú trọng khai thác du khách đến từ các thị trường gần như ASEAN và Đông Bắc Á có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày với những sản phẩm mới: du lịch hội thảo, du lịch chữa bệnh, làm đẹp…
Theo PGS - TS Phạm Trung Lương - Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, Tổng cục Du Lịch Việt Nam, tới đây, hoạt động xúc tiến, quảng bá phải được xây dựng và tổ chức trên cơ sở kết quả nghiên cứu các thị trường và các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng của các địa phương, vùng miền. Chuyển từ xúc tiến hình ảnh sang xúc tiến cho các sản phẩm và thương hiệu cụ thể như: phát triển du lịch biển và ven biển, các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa, nhân văn. Theo đó, các vùng miền, các địa phương cùng nhau xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với đặc thù về địa lý, tài nguyên, thị trường khách cũng như thể hiện được tính kết nối liên vùng hiệu quả giữa các địa phương, trong đó, các địa phương chú trọng xây dựng các chương trình, tuyến, điểm du lịch mang nét đặc trưng riêng của mỗi địa phương có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trong nước và khu vực.
Cần chính sách và đầu tư đồng bộ
Với mục tiêu thu hút 12 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 35 triệu du khách nội địa vào năm 2020 trong điều kiện du lịch Việt Nam chưa có những sản phẩm đặc trưng để níu giữ, mời gọi hấp dẫn du khách là không hề đơn giản. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn: vấn đề cơ bản của du lịch Việt Nam hiện nay là xây dựng những sản phẩm mang bản sắc Việt Nam. Địa phương nào cũng đều có vài sản phẩm du lịch nhưng hình thức, nội dung lại na ná nhau: vải, túi thổ cẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vài tour du lịch thiên nhiên...
Bên cạnh đó, khi môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì Du lịch Việt Nam muốn thu hút khách bắt buộc phải tạo nên những giá trị khác biệt. Hiện Việt Nam mới chỉ hình thành vài ba nhóm sản phẩm ở những lĩnh vực du lịch tự nhiên, bao gồm: du lịch sinh thái; du lịch bãi tắm và du lịch biển; du lịch văn hóa (du lịch văn hóa vật thể, du lịch văn hóa phi vật thể, du lịch bảo tàng, du lịch ẩm thực) và du lịch đô thị... Như vậy là quá ít, để du lịch Việt Nam phát triển như kỳ vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Cùng với việc xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng, vấn đề đặt ra là cần hình thành một chuỗi chính sách liên ngành. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: một trong những giải pháp được ngành Du lịch ưu tiên là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan. Các chính sách cần tập trung đổi mới, hoàn thiện là: xuất nhập cảnh, hải quan, thu hút đầu tư du lịch, tài chính, ngân hàng, đầu tư kết cấu hạ tầng và chính sách xúc tiến du lịch. Đây là những đòi hỏi cấp bách, cần được tháo gỡ để du lịch Việt Nam phát triển.