Hoạt động của ngành

Phát triển du lịch cộng đồng tại 3 làng quê truyền thống

Cập nhật: 10/05/2011 15:10:32
Số lần đọc: 2486
Việt Nam có nguồn tài nguyên dồi dào, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, ngành nghề thủ công địa phương đa dạng… Tuy nhiên, những nguồn lực này hiện chưa được sử dụng thực sự hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Để đạt được mục tiêu cải thiện sinh kế và quản lý môi trường thích hợp, cộng đồng và chính quyền địa phương cần đổi mới hơn nữa trong cách tiếp cận và hiểu biết về các giá trị văn hóa của mình, đồng thời phát triển kinh tế bằng cách xem xét các ngành nghề truyền thống và thúc đẩy du lịch thông qua việc sử dụng các nguồn lực của cộng đồng.

 

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển du lịch cộng đồng tại Nhật Bản, ông Matsunaga Masaei, Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam là đất nước lưu giữ được những nét đẹp về cảnh quan, di sản văn hóa cũng như đời sống của con người, và cũng là một địa điểm có tiềm năng du lịch rất lớn đối với người Nhật Bản. Nhật Bản được nhắc tới như là một đất nước kiểm soát tốt khoảng cách chênh lệch gia tăng giữa đô thị và nông thôn, một trong những lý do chủ chốt chính là nhờ vào ngành du lịch. Tại các khu vực đi chậm hơn về kinh tế, người dân và chính quyền khu vực trở thành một thể thống nhất, cùng đánh giá lại văn hóa truyền thống, sản xuất tại địa phương, hình ảnh phố phường với tư cách là những nguồn tài nguyên du lịch và chú trọng nỗ lực vào nâng cao những giá trị đó. Chính điều đó đã thu hút khách du lịch từ đô thị và giúp địa phương làm giàu. Ngoài ra, việc phát huy những giá trị tự có của khu vực như văn hóa truyền thống phục vụ du lịch sẽ nâng cao tình cảm yêu mến của người dân đối với địa phương cũng như đưa tới tăng cường sự gắn bó lẫn nhau giữa những người dân tại địa phương.

 

PGS. TS. Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, một trong những phương thức tiếp cận quan trọng cho phát triển du lịch bền vững là đẩy mạnh phát triển du lịch cộng động đồng, trong đó các giá trị truyền thống và vai trò của cộng đồng được phát huy đầy đủ nhất. Kết quả hoạt động của những mô hình về phát triển du lịch cộng đồng ở Sa Pa (Lào Cai), du lịch văn hoá ở Hội An (Quảng Nam), v.v... là những thí dụ minh chứng cụ thể cho nỗ lực bảo tồn di sản văn hoá truyền thống và xoá đói giảm nghèo thông qua hoạt động phát triển du lịch ở Việt Nam trong thời gian qua. Ở một số điểm du lịch văn hóa, hoạt động du lịch đã có những hỗ trợ tích cực về vật chất đóng góp cho công tác bảo tồn. Ví dụ điển hình là du lịch Hội An, theo đó ngoài nguồn kinh phí từ Nhà nước, nguồn thu từ bán vé tham quan phố cổ mỗi năm được trích ra 55% cho việc sửa chữa, trùng tu các di tích, nhà cổ. Có những ngôi nhà cổ được hỗ trợ tới 300 triệu đồng.

 

Trong kế hoạch phát triển tới đây, du lịch Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn việc nghiên cứu khai thác các giá trị văn hoá làng quê để phát triển những sản phẩm du lịch văn hoá đậm bản sắc dân tộc, hấp dẫn và có sức cạnh tranh để thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, góp phần thực hiện những mục tiêu chiến lược đặt ra. Song quan trọng hơn là thông qua phát triển du lịch làng quê, sẽ góp phần bảo vệ và phát huy được các giá trị văn hoá truyền thống và tạo cơ hội cho cộng đồng người dân ở nông thôn hiện chiếm phần lớn dân số ở Việt Nam, tham gia tích cực hơn vào hoạt động du lịch, có thêm thu nhập để cải thiện được cuộc sống của mình.

 

Tại hội thảo “Phát huy những giá trị văn hoá và tài nguyên cộng đồng trong phát triển du lịch tại Việt Nam” do Tổng cục Du lịch và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa phối hợp tổ chức, JICA và Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã khởi động dự án “Hỗ trợ phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam qua du lịch di sản”. Ông Matsunaga Masaei cho biết: “Tăng trưởng kinh tế cao khiến các làng nghề truyền thống có thể biến mất, trừ khi có mô hình quản lý phù hợp được áp dụng. Do đó, dự án nhằm xây dựng mô hình quản lý phù hợp được áp dụng trong du lịch cộng đồng. Dự án sẽ thiết lập một hệ thống quản lý để thường xuyên bắt kịp những thay đổi, từ đó đưa ra các giải pháp kịp thời khắc phục những khó khăn và sự suy thoái của môi trường du lịch". Dự án sẽ được thực hiện từ nay đến năm 2014, tại 3 làng nông thôn truyền thống có tiềm năng phát triển du lịch tại 3 miền của Việt Nam gồm: làng Đường Lâm (Hà Nội), làng Phước Tích (Thừa Thiên - Huế), làng Đông Hòa Hiệp (Tiền Giang).

Nguồn: Báo Kinh tế VN

Cùng chuyên mục