Đến Côn Đảo thưởng thức mứt hạt bàng
Đến Côn Đảo, ngoài các món đặc sản biển, du khách thường được mời thưởng thức món đặc sản khác khá độc đáo là mứt hạt bàng, với hai loại mứt ngọt và mặn. Gọi là mứt nhưng thật ra chỉ là hạt bàng rang với muối hoặc đường. Bỏ vài hạt bàng vào miệng, du khách sẽ cảm nhận được vị ngọt của đường hay vị mặn của muối hòa lẫn vị bùi và béo của hạt bàng nơi đầu lưỡi, khiến du khách không khỏi thích thú: món ăn chơi lạ và ngon! Nhiều người thích loại hạt bàng rang với muối hơn, bởi có vị đậm đà hơn hạt bàng tươi và gần như vẫn giữ được vị bùi bùi nguyên gốc của hạt bàng tươi. Hạt bàng rang muối nhìn mập mạp, vỏ hơi thâm nâu; khi cắn một miếng, sẽ thấy được các lớp màu trắng ngà của hạt bàng xếp cuộn khít vào nhau, rất đều đặn.
Mùa bàng chín rộ vào khoảng tháng 6, tháng 7 hàng năm. Khi bàng rụng xuống, sáng sớm nhiều người Côn Đảo rủ nhau đi nhặt về để lấy hạt. Quả bàng được phơi khô, rồi trong những lúc rỗi việc nhà, đem ra chẻ lấy hạt. Hạt bàng mới tách ra có màu nâu giống như màu gỗ, sau đó rang muối hoặc rang đường. Thế nhưng, để có được những hộp mứt hạt bàng vài trăm gram bán cho du khách, người làm hạt bàng phải tốn rất nhiều thời gian, có khi là cả ngày lao động.
Có thể nói, mứt hạt bàng là món quà đặc sản mang đậm dấu ấn Côn Đảo mà rất nhiều du khách khi đến Côn Đảo đều mua một ít về làm quà. Khi đến Côn Đảo, du khách còn được người dân kể những câu chuyện liên quan đến quả bàng và cuộc sống của những người tù khổ sai trong hai cuộc kháng chiến. Lá bàng được tù nhân dùng làm chiếu lót trên nền bê tông, nền đá để chống chọi với cái lạnh, cái nóng khắc nghiệt trong nhà tù. Quả bàng, lá bàng non có khi còn là bữa ăn qua ngày của tù nhân. Lá bàng còn được nhiều người tù thay giấy để viết thơ ca, để truyền tin cho nhau. Nhiều người bị giam dài ngày cứ nhìn cây bàng thay lá mà đếm mùa, đếm năm. Cây bàng Côn Đảo cũng là những chứng nhân của lịch sử.