Hành trang lữ khách

Rêu suối – Văn hóa ẩm thực của Tây Bắc

Cập nhật: 12/05/2011 11:53:12
Số lần đọc: 3158
Tây Bắc không chỉ nổi tiếng với núi non hùng vĩ, người xinh, chiều chồng, nơi đây còn là sứ sở của các món ăn ngon và “sạch”.

Tôi có dịp đi công tác trên vùng núi tỉnh Điện Biên được thưởng thức biết bao thức ngon vật lạ do chính các chị các mẹ người Thái địa phương ưu ái mời thưởng thức: măng đắng, canh bon, cá nướng, tiếng địa phương còn gọi là “Pà pỉnh tộp” nhưng món ăn tôi thấy lạ và hấp dẫn hơn cả đó là món rêu suối nướng.

Rêu được vắt khô nước đem ướp với mắc khén, ớt bột khô, lá hành, gừng tươi, củ xả thái nhỏ, chút muối tinh, chút bột ngọt, gói bằng lá rong đặt cạnh bếp hay vùi than. Rêu nướng càng khô hương vị càng đượm và rất dậy mùi. Khi ăn món rêu suối nướng ta phải thưởng thức bằng cả khứu giác và vị giác. Vị cay hăng của mắc khén, cay nồng của gừng tươi, cay thơm của ớt bột, thơm mùi thơm của lá hành, thơm bùi của xả tươi, quện hương thơm như nếp mới của lá rong, vị mát mềm của rêu. Tất cả gia vị làm ta tê tê nơi đầu lưỡi.

Ngoài ra rêu suối còn có thể làm nộm, nấu canh... Cũng có thể phơi khô mang nướng, chấm nước cao của măng chua, ăn rất tuyệt!...

Rêu suối được chia làm ba loại: loại mọc trên đá thành sợi như sợi tóc, màu hơi sẫm; rêu mọc rời rạc có màu xanh non và rêu mọc ở khe suối không bám chặt vào đá sờ có cảm giác rất trơn. Rêu sạch và non thường ở các khe đá và phải là nơi có dòng nước chảy xiết. Mùa rêu mọc thường vào tháng 12 đến tháng chạp, vòng đời của rêu rất ngắn nên đồng bào các dân tộc thường tranh thủ đi lấy về. Người ta đặt lên những tảng đá nhẵn, rộng vừa dùng thanh tre, gỗ đập vừa nhặt gốc rêu, sạn, sỏi. Sau đó cho vào xạ (loại dụng cụ dùng rửa rau của người địa phương) rửa cho đến lúc nước trong và ủ muối nhạt khoảng mười lăm phút thì rửa lại, đập sạch, tao thật kỹ, phơi khô ăn dần, làm thức ăn dự trữ cho mùa đông, mùa cây khô lá vàng. Rêu được các chị các mẹ thay thế cho món rau khi mà mùa gió Lào thổi đất khô, cây cằn, rau không mọc được.

Đi lấy rêu theo tập thể cũng là một nét văn hóa thú vị của người dân tộc vùng núi Điện Biên. Ngoài ra rêu suối cũng là một mặt hàng được bày bán dọc đường, ngoài chợ tăng thêm thu nhập cho nhiều gia đình và làm tô điểm thêm nét văn hóa nguyên sơ của các dân tộc, phản ánh đời sống văn hóa, đời sống tinh thần của các dân tộc vùng cao.

“Nắng vàng không bạc sắc xanh

Món rêu nuôi lớn duyên anh với nàng”.

Vẳng nghe câu hát tự tình của người con gái Thái khi màn đêm buông xuống, bên ánh lửa bập bùng nhâm nhi chén rượu cùng cá suối “pỉnh tộp” ngồi chờ rêu nướng. Một cảm giác thật thú vị!..

Trong bữa ăn, mâm rượu có thêm món rêu suối nướng làm tăng thêm sự đa dạng phong phú cho văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc.

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ

Cùng chuyên mục