Bình Thuận: Thêm hai di tích ở Phú Quý được xếp hạng
Tuy diện tích nhỏ hẹp nhưng Phú Quý luôn tự hào với bề dày lịch sử của mình với hơn 30 di tích tín ngưỡng dân gian đủ mọi loại hình như: đình, chùa, đền miếu, lăng, vạn… cùng nhiều lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc gắn liền với đời sống tâm linh của cộng đồng dân cư Phú Quý. Có thể nói ở Bình Thuận cho đến nay không có nơi nào còn lưu giữ được kho tàng di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú và đặc sắc như ở đảo Phú Quý.
Ngày 6/5/2011, Sở VHTT-DL Bình Thuận phối hợp với UBND huyện Phú Quý tổ chức lễ trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa đền thờ thầy Sài Nại và đình làng Long Hải theo Quyết định số 1993 và 1995/QĐ-UBND ngày 7/9/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh. Đây là di tích thứ 6 và 7 trên đảo được nhà nước xếp hạng. Đó là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân huyện Phú Quý; đồng thời cũng mở ra một triển vọng đầy hứa hẹn trong lĩnh vực du lịch văn hóa và tín ngưỡng tâm linh cho huyện đảo trong tương lai.
Đền thờ thầy Sài Nại được người dân trên đảo xây dựng vào cuối thế kỷ XVII. Quần thể kiến trúc đền thờ gồm có các hạng mục: cổng chính, bình phong, võ ca, chính điện. Theo truyền thuyết, thầy Sài Nại là nhà địa lý thiên văn người Hoa, trong các chuyến hải trình, thầy đã nhiều lần ghé lên đảo. Thấy địa thế đảo Phú Quý là vùng địa linh nên thầy ước nguyện sau khi qua đời sẽ được an táng trên đảo và ước nguyện đó đã được gia đình thầy thực hiện.
Đền thờ thầy Sài Nại thể hiện bước kế thừa, tiếp biến và dung hợp văn hóa Việt - Hoa hết sức độc đáo của cộng đồng người Việt khi đến tiếp quản và xây dựng cuộc sống trên đảo Phú Quý. Tương truyền, sau khi mất thầy đã hiển linh cứu giúp người dân trên đảo trong cuộc sống mưu sinh trên biển đầy hiểm nguy. Do đó, người dân Phú Quý đã xây dựng đền để thờ phụng và cúng tế thầy theo cách thức, phong tục tập quán riêng của mình. Điều đáng nói ở đây là tín ngưỡng thờ thầy đã trở thành một phần của tín ngưỡng chung và thiêng liêng của người dân trên đảo.
Đình làng Long Hải được tạo lập vào cuối thế kỷ XVIII, là nơi tôn thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có công khai mở đất đai, quy tụ dân chúng, tạo lập làng xã và dựng đình. Quần thể kiến trúc đình làng Long Hải gồm có các hạng mục: cổng chính, võ ca, chính điện và nhà khói.
Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại, chịu nhiều tác động của môi trường tự nhiên khắc nghiệt, nhiều di vật và đồ tế tự có giá trị của đền thờ thầy Sài Nại và đình làng Long Hải đã bị hư hỏng và thất lạc dần. Tuy nhiên, tại di tích vẫn còn lưu giữ được một số di vật quý, linh thiêng có giá trị lịch sử, văn hóa…như khám thờ, hoành phi, bao lam, câu đối; đặc biệt là đến nay nhân dân Phú Quý còn lưu giữ 8 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn ban tặng cho thầy Sài Nại.
Giá trị, tầm quan trọng và tính linh thiêng của đền thờ được thể hiện rõ qua tập tục được nhân dân 9 làng ở 3 xã luân phiên nhau gìn giữ, thờ phụng. Mỗi làng được luân phiên thay nhau lưu giữ sắc phong, trông nom đền thờ và cúng tế thầy Sài Nại trong một năm. Đây là một tập tục, một nghi thức lạ lẫm, độc đáo và rất có ý nghĩa ở Phú Quý mà những nơi khác chưa hề có, bởi đây là tài sản vô giá và thiêng liêng, là tài sản chung của người dân toàn đảo chứ không phải của riêng một làng nào.
Hàng năm tại đền thờ thầy Sài Nại diễn ra một dịp lễ hội chính vào ngày mùng 4 tháng tư âm lịch, còn lễ hội tại đình làng Long Hải diễn ra 2 kỳ theo lệ “xuân cầu, thu trả”. Lễ hội diễn ra tại đền thờ và đình làng hàng năm thu hút đông đúc cộng đồng người dân trên đảo tham gia với thái độ thành kính. Lễ hội hàng năm cũng chính là sợi dây liên kết, thắt chặt tình nghĩa, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các làng trên đảo từ xưa đến nay để cùng tồn tại, sinh sống; chung sức chiến đấu chống các thế lực thù địch quấy phá như cướp biển, giặc ngoại xâm…; và đấu tranh chống chọi những khó khăn, khắc nghiệt của thiên nhiên nơi vùng hải đảo.
Đền thờ thầy Sài Nại và đình làng Long Hải chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá, kết tinh của quá trình sáng tạo, gìn giữ của nhiều thế hệ chuyển tiếp nhau cho đến hôm nay. Là những thế hệ con cháu đi sau kế thừa thành quả, giá trị văn hóa dân gian quý báu của cha ông để lại, chúng ta phải biết trân trọng gìn giữ, phát huy trong đời sống văn hóa cộng đồng hiện nay và mai sau.