Hoạt động của ngành

Tìm hướng phát triển cho du lịch Cù Lao Chàm, Quảng Nam

Cập nhật: 20/05/2011 10:06:52
Số lần đọc: 2212
Cách đô thị cổ Hội An khoảng 18 km về phía Đông, Cù Lao Chàm là quần đảo gồm 8 đảo lớn nhỏ phân bố theo hình cánh cung trên khu vực biển có diện tích 15 km2 thuộc xã đảo Tân Hiệp, Hội An. Nơi đây vẫn còn nguyên vẹn nét hoang sơ của thiên nhiên như chưa từng có sự can thiệp của con người.
Mất khoảng 30 phút đi thuyền cao tốc du khách sẽ bước vào một thế giới hoang sơ với biển xanh, cát vàng gió lộng cách biệt hoàn toàn những ồn ào phố thị. Không như nhiều nơi khác, Cù lao Chàm vẫn còn lưu giữ những nét đẹp nguyên vẹn từ ngàn năm cùng hệ sinh thái đa dạng, phong phú với thảm thực vật rừng trên 1500 ha, nhiều loài cây quý hàng trăm năm tuổi như thiên tuế, kiền kiền, dẻ, chua, mây..., nhiều loại dược liệu hiếm như mã tiền, ổi tím, ngũ gia bì ... Rừng Cù lao Chàm là nơi cư trú của 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát, 5 loài lưỡng cư, đặc biệt là 2 loài chim yến và khỉ đuôi dài có tên trong sách đỏ Việt Nam.

Biển Cù Lao Chàm có dải san hô trải rộng trên 165 ha gồm 188 loài, 61 giống thuộc 13 họ khác nhau và hơn 200 loài cá cùng nhiều loài rong, tảo, cỏ biển, sinh vật đáy thân mềm, giáp xác, da gai; các loài hải sản quý hiếm như tôm hùm, ốc hương, hải sâm, ngọc trai, đồi mồi, cua đá, vú nàng ...… được phân bố với mật độ dày đặc. Rải rác trên các bãi Làng, bãi Hương, bãi Ông .... là 22 di tích lịch sử và khảo cổ của các nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt có niên đại hàng trăm năm như Lăng Ông, miếu Bà, Chùa Hải Tạng.... cùng vết tích về một thương cảng nơi các thương thuyền xưa neo đậu tránh bão.

Với nhiều giá trị văn hóa và thiên nhiên cùng những đa dạng sinh học vốn có, Cù Lao Chàm trở thành nơi lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, khám phá. Từ khi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (26.5.2009) mỗi ngày Cù Lao Chàm đón từ 200 -300 khách đến thăm đảo. Các dịch vụ cũng được đa dạng nhằm phục vụ một bộ phận du khách có nhu cầu như lưu trú, lặn biển ngắm san hô, câu cá, tham quan di tích văn hóa lịch sử; sinh hoạt lửa trại qua đêm, thưởng thức những món ăn hải sản tươi sống được đánh bắt tại chỗ... đã tạo nên sự thích thú cho du khách.

Dù đã có những phát triển nhất định, nhưng nhìn chung các dịch vụ và sản phẩm du lịch nơi đây vẫn nghèo nàn chưa tạo được bản sắc. Sau khi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới con đường di sản bây giờ đã được mở rộng gắn kết 3 di sản Mỹ Sơn - Hội An - Cù lao Chàm lại với nhau, mở ra triển vọng về sự đột phá vùng biển đảo này. Hướng ra biển không những mang tầm chiến lược về an ninh quốc phòng mà còn là mục tiêu để phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho rằng, phát triển du lịch Cù lao Chàm không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà quan trọng nhất là nâng cao đời sống để người dân yên tâm gắn bó với đảo làm phên giậu bảo vệ an ninh quốc phòng phía Đông của tỉnh. “Chính quyền thành phố luôn quan tâm đầu tư Cù Lao Chàm trong điều kiện cho phép như quy hoạch lại các tuyến điểm; phát triển sản phẩm du lịch theo hướng sinh thái; mô hình lưu trú theo kiểu homestay trong nhân dân tại các Bãi Làng, Bãi Hương...; xây dựng các dịch vụ lưu trú có quy mô, chất lượng thông qua việc tiếp nhận những dự án đầu tư lớn với mục đích cuối cùng là đảm bảo an ninh quốc phòng và nâng cao đời sống người dân trên đảo” - ông Giảng cho biết.

Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành uỷ Hội An cho biết, việc quy hoạch lại các làng nghề truyền thống trên đảo để người dân cùng tham gia và được hưởng lợi từ du lịch sẽ sớm được triển khai. Trước mắt sẽ giúp người dân thay đổi thói quen, nâng cao ý thức trong việc gìn giữ, khai thác các nguồn lợi thuỷ sản Cù Lao Chàm thông qua những quy định cụ thể như khoanh vùng, hạn chế thời gian khai thác các loài thủy sản trong năm nhằm từng bước phục hồi môi trường sinh thái và hệ động thực vật tại đây.

Ông Nguyễn Sự cũng nhìn nhận, để làm được điều này là quá trình dài, đặc biệt là đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn nguyên vẹn môi trường sinh thái biển đảo. Việc quy hoạch tổng thể các khu vực tại đảo, phân bố lại dân cư theo vùng; có nên xây dựng các khu resort với những tiện nghi hiện đại phục vụ một bộ phận khách cao cấp tại một số nơi trên đảo hay giữ Cù lao Chàm nguyên sơ vẫn là vấn đề cần cân nhắc. Mạng lưới điện phục vụ cho sinh hoạt của gần 3 ngàn hộ dân trên đảo dù đã được cải thiện bằng hệ thống pin mặt trời nhưng cũng chỉ ở mức tương đối. Những chính sách, cơ chế đặc biệt để người dân yên tâm gắn bó không bỏ đảo vào đất liền … cũng đang được các cấp ngành thành phố bàn bạc thảo luận.

Phát triển Cù lao Chàm để người dân hưởng lợi từ di sản mà không phá vỡ môi trường sinh thái và bảo tồn những giá trị văn hóa là để phát triển bền vững. Cù Lao Chàm đã là di sản của thế giới nên cũng cần có cách nghĩ và ứng xử theo tiêu chuẩn thế giới để nơi này sẽ mãi là viên ngọc lấp lánh giữa ngàn trùng biển khơi.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục