Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: Xúc tiến, quảng bá du lịch biển Thuận An

Cập nhật: 13/06/2011 14:50:50
Số lần đọc: 2155
Nhiều công ty lữ hành nhận định, với đà này, nếu làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá, chắc chắn Thuận An sẽ là vệ tinh quan trọng bổ trợ, làm mới và phong phú thêm cho điểm đến Huế.

Lần đầu tiên, một chiến dịch quảng bá với qui mô bước đầu cho biển Thuận An đang được Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tập trung triển khai với mục đích kéo điểm du lịch biển này đến gần hơn với du khách.

 

Điểm đến còn xa lạ  

Cách trung tâm TP Huế đúng 15km, Thuận An là bãi biển đẹp thứ hai của Huế, sau Lăng Cô. Mỗi mùa hè, bãi tắm này nườm nượp người tắm biển. Các dịch vụ du lịch do đó không ngừng phát triển, tạo công ăn việc làm và doanh thu cho địa phương.

Tuy nhiên, theo các công ty lữ hành, đến nay, Thuận An vẫn chỉ đơn thuần là một bãi tắm có tính địa phương. Riêng với du khách nước ngoài, điểm đến này vẫn còn xa lạ. Ngay cả với du khách trong nước, số người biết đến Thuận An cũng chưa phải là nhiều.

 

Một trong những nguyên nhân của sự xa cách này, theo ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty Huetourist, là do những hạn chế trong công tác quảng bá chưa được triển khai mạnh mẽ và có chiều sâu. Lâu nay, công việc này chỉ dừng lại qua các kỳ lễ hội Thuận An biển gọi. Hoạt động này dù tốn kém nhưng phạm vi ảnh hưởng mới dừng lại ở cấp huyện, cấp tỉnh. Đây chính là lý do khiến cho Thuận An dù có nhiều tiềm năng hấp dẫn du khách vẫn chưa được biết đến nhiều.

 

Tận dụng 100 triệu địa chỉ e-mail

 

Đầu mùa hè năm nay, lần đầu tiên, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã triển khai một số chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tập trung cho điểm đến Thuận An. Theo đó, trung tâm đã phối hợp giới thiệu về Thuận An và một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn, như: Ana Mandara, Tam Giang Spa-Resort, Khu du lịch Mỹ An...qua kênh truyền hình, báo chí. Đặc biệt, Trung tâm tập trung triển khai chiến dịch quảng bá về Thuận An bằng cách gửi thư tiếp thị qua Internet (e-maketing) đến 50 triệu địa chỉ email trên toàn cầu trong tháng 4 và 5.

 

Ông Phạm Tư Oanh, Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch cho biết, trong điều kiện kinh phí hạn chế như hiện nay, đây là một hình thức quảng bá khá hiệu qủa, đã từng được Trung tâm thử nghiệm trong chiến dịch quảng bá cho vịnh Lăng Cô cách đây hai năm. Theo kế hoạch, trong năm nay, sẽ tiếp tục tận dụng loại hình quảng bá này đối với Thuận An đến khoảng 100 triệu địa chỉ e-mail, gồm các đối tượng như doanh nghiệp du lịch, các hãng lữ hành và du khách tại nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ cùng các doanh nghiệp du lịch tại Thuận An tổ chức các chương trình hỗ trợ cho các công ty lữ hành để thúc đẩy khuyến khích việc đưa khách du lịch về tham quan, sử dụng các dịch vụ và tắm biển tại Thuận An.

 

Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng

 

Định hướng phát triển du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2010-2015 xác định đầm phá và biển là sản phẩm đột phá, trong đó Thuận An là một trong những điểm nhấn. Cách trung tâm thành phố 15km, du khách sau khi tham quan lăng tẩm, chùa chiền, kinh thành Huế, có thể dễ dàng đến Thuận An tắm biển, và trở về Huế ngay trong ngày. Ngoài dịch vụ tắm biển, thưởng thức đặc sản địa phương, ngắm bình minh…du khách có thể tham quan một số địa chỉ văn hóa tín ngưỡng, tâm linh tại địa phương như miếu Thái Dương với sự tích nữ thần Thái Dương được dân làng hết sức sùng bái; miếu Âm Linh thờ thần cá voi, vốn là con vật linh thiêng đối với người dân miền biển hay các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn Phú Vang như Trấn Hải thành, Tháp Chăm Phú Diên…

 

Ngoài các dịch vụ lưu trú bình dân, gần đây, tại Thuận An hình thành một số khách sạn cao cấp như Tam Giang Resort, khu du lịch 4 sao, cách bãi biển 200m. Mới đây nhất, khách sạn biển 5 sao Ana Mandara vừa đi vào hoạt động với qui mô 78 phòng, gồm các biệt thự biển, câu bạc bộ đêm, bể bơi ngoài trời, câu lạc bộ trẻ em, cửa hàng, phòng tập thể dục…có thể đáp ứng nhu cầu nhiều đối tượng khách du lịch. Riêng UBND thị trấn Thuận An vừa đầu tư 800 triệu đồng nâng cấp hạ tầng ở các bãi tắm, hệ thống đèn chiếu sáng, các quán ăn ven biển…

 

Nhiều công ty lữ hành nhận định, với đà này, nếu làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá, chắc chắn Thuận An sẽ là vệ tinh quan trọng bổ trợ, làm mới và phong phú thêm cho điểm đến Huế. Tuy nhiên, quá trình phát triển cần tính đến yếu tố qui hoạch mang tính bền vững, đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực du lịch.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục