Hoạt động của ngành

Khởi sắc du lịch Hà Giang

Cập nhật: 14/06/2011 09:59:02
Số lần đọc: 2480
Trên địa bàn tỉnh Hà Giang có khá nhiều điểm du lịch lý thú như: Vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang ở Bắc Mê, Căng Bắc Mê, Khu di tích lịch sử Nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, Cao nguyên đá Đồng Văn, Làng du lịch cộng đồng Panhau (Hoàng Su Phì)... có những mặt hàng tiêu dùng phong phú, đặc biệt là mặt hàng thổ cẩm của đồng bào Mông xã Lùng Tám (Quản Bạ) và những bộ y phục cổ truyền độc đáo của đồng bào Dao, Cờ Lao, Pà Thẻn, Pố Y... đã hấp dẫn khách du lịch trong, ngoài nước ưa thích mua làm đồ lưu niệm.
Đến với Hà Giang du khách còn được thưởng thức các món ăn mang đậm bản sắc vùng cao, tìm hiểu về phong tục, tập quán đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số mang đậm nét đặc trưng địa phương như Lễ hội cầu mùa, cấp sắc...


Vài năm trở lại đây, Hà Giang đã chú trọng khai thác tiềm năng du lịch nhằm bổ sung nguồn thu nhập cho ngân sách địa phương. Với mạng lưới dịch vụ du lịch phát triển khá đa dạng, rộng khắp trên địa bàn tỉnh: 106 cơ sở lưu trú, bao gồm khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách với tổng số gần 1.417 phòng nghỉ, trong đó có trên 10 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao, 3 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao; 250 nhà hàng với khả năng phục vụ hàng nghìn khách. Năm 2010, doanh thu từ du lịch dịch vụ của tỉnh đạt 308,9 tỷ đồng; lượng khách du lịch tới Hà Giang đạt 301.334 lượt người, tăng 20,6%, trong đó khách từ Trung Quốc sang qua cửa khẩu Thanh Thủy là 44.108 lượt người và khách Quốc tế từ các thị trường khác là 3.922 lượt người, tăng 11% so với năm 2009. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2011, lượng khách du lịch đến Hà Giang tăng mạnh với 82.045 lượt người, trong đó khách du lịch nội địa tăng vọt so với cùng kỳ năm trước do Cao nguyên đa Đồng Văn thu hút lượng lớn khách đến thăm quan, khám phá; khách du lịch từ Trung Quốc sang qua cửa khẩu Thanh Thủy là 5.334 người, còn lại là khách Quốc tế đến từ các nước Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản... Doanh thu từ dịch vụ, du lịch trong quý I năm 2011 ước đạt 83,7 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước.


Có thể khẳng định, nguồn lợi thu được từ du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đóng góp không nhỏ vào ngân sách vốn eo hẹp của tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác hết, nếu được khai thác tốt tiềm năng này chắc chắn sẽ mang lại doanh thu gấp nhiều lần so với hiện nay. Song cái khó của tỉnh hiện nay là thiếu vốn đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó có hệ thống đường giao thông tới các xã, điểm du lịch còn nhiều khó khăn. Các công trình du lịch thì nhỏ lẻ và tiến độ xây dựng chậm, một số công trình bị dãn, hoãn do thiếu vốn đầu tư; hệ thống các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và đội ngũ những người biết làm du lịch vừa thiếu lại vừa yếu nên chưa đáp ứng được nhu cầu khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng.


Xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ chiến lược của tỉnh trong những năm tiếp theo, nhất là khi Hà Giang vừa được tổ chức UNESCO công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên địa chất toàn cầu, tỉnh đã có chủ trương đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các tua, tuyến, cụm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh liên kết với một số tỉnh bạn và nước bạn Trung Quốc để làm cơ sở cho việc kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch. Việc chú trọng xây dựng các thương hiệu, sản phẩm du lịch điển hình của Hà Giang như: Du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch Cao nguyên đá, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng; đồng thời có hướng bảo tồn và khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên phi vật thể của tỉnh nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Hà Giang.


Với cách nghĩ, cách làm mới và hướng đầu tư như hiện nay, hy vọng rằng trong tương lai không xa, ngành du lịch Hà Giang sẽ có hướng khai thác hiệu quả những tiềm năng du lịch còn đang bỏ ngỏ, với mục tiêu tạo ra nhiều việc làm cho người lao động cũng như tăng thêm thu nhập cho ngân sách địa phương.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục