Hoạt động của ngành

Sa Pa bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 14/06/2011 09:40:52
Số lần đọc: 2255
Sa Pa là nơi sinh sống của các dân tộc anh em: Mông, Dao, Kinh, Tày, Giáy, Xa Phó... Chính sự đa dân tộc đã làm phong phú về bản sắc văn hóa riêng có của Sa Pa

Tuy nhiên, trước "làn sóng" thương mại hóa, những nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc Sa Pa đang có nguy cơ bị mai một. Đường phố, kiến trúc nhà cửa mất đi vị trí, hình dáng vốn có. Một số lễ hội truyền thống không được duy trì thường xuyên, nếp sinh hoạt chợ phiên đang dần bị lãng quên. Việc phổ cập chữ Mông cho người Mông còn gặp nhiều khó khăn. Một số tập tục lạc hậu chưa được cải tạo triệt để...

 

Trước thực trạng đó, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn huyện Sa Pa trở thành nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, được các cấp chính quyền Sa Pa quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Huyện Sa Pa đã xây dựng Đề án bảo tồn, khai thác phát triển bản sắc văn hoá dân tộc huyện Sa Pa. Qua 8 năm triển khai thực hiện, đã đạt được những kết quả quan trọng; góp phần nghiên cứu các di sản về kiến trúc nhà cửa, trang phục, nghề thủ công, lễ hội, đặc điểm của sinh hoạt văn hóa chợ để xây dựng thành các sản phẩm du lịch. Đến nay, huyện Sa Pa đã xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng với các điểm du lịch văn hóa cộng đồng như: Bản Dền, Tả Van, Thanh Kim, Tả Phìn. Đồng thời, đã tạo ra sức hấp dẫn cho các tuyến du lịch từ huyện đến bản làng Cát Cát, Sín Chải, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ, Thanh Phú, Nậm Sài, Sử Pán, Thanh Kim…

Một số mô hình du lịch cộng đồng đã góp phần xóa đói, giảm nghèo. Do vậy, hiện tại mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với vấn đề xóa đói, giảm nghèo ở Sa Pa đang được nhân ra diện rộng ở làng Cát Cát, Lao Chải, Nậm Sang. Điển hình như thôn Cát Cát có gần 30% số người dân tham gia thường xuyên vào các hoạt động du lịch (bán hàng, hướng dẫn khách, biểu diễn văn nghệ…), thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 1,5 triệu đồng/người. Toàn xã có trên 50 hộ kinh doanh thổ cẩm, hàng lưu niệm, dệt lanh, thủ công mỹ nghệ; tính trung bình thu nhập của mỗi người dân khoảng 700 nghìn đồng/tháng.

Thực hiện chương trình "mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, mỗi vùng có một loại đặc sản trở thành hàng hóa", hiện nay, các đặc sản mang bản sắc của văn hóa các dân tộc thiểu số đã được "đánh thức" và phát triển như các nghề thủ công truyền thống: dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc… Đồng thời, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể làng Cát Cát, xã San Sả Hồ gồm các nghi lễ: nhận con nuôi, đeo vòng vía cho trẻ, chữa bệnh cho người già và trẻ nhỏ, Tết cơm mới… Một số lễ hội được phục dựng, nâng cao trở thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn thông qua các chương trình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cộng đồng đã phát huy giá trị văn hóa truyền thống; các sản phẩm từ nghề truyền thống (rèn, đúc, chạm khắc bạc, thêu thổ cẩm) đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Sa Pa.

Để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong xu thế hội nhập và phát triển, huyện Sa Pa xác định rõ việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số luôn gắn kết chặt chẽ với phát triển du lịch. Do vậy, huyện Sa Pa đã và đang tiếp tục xây dựng dự án Bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian các dân tộc trên địa bàn huyện; dự án "Phát triển văn hoá gắn kết với phát triển du lịch bền vững". Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức "Lễ hội trên mây", chương trình leo núi "Chinh phục đỉnh Phan Xi Păng" hàng năm để tuyên truyền, quảng bá và thu hút du lịch. Tăng cường tổ chức các lễ hội truyền thống, chương trình văn nghệ dân gian trong các ngày hội du lịch khám phá bản làng.

Bên cạnh đó, khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như: thổ cẩm, trang phục, vòng tay, vòng cổ, hoa tai bằng những chất liệu mang đậm dấu ấn riêng của từng dân tộc làm đồ lưu niệm để cung cấp cho du khách. Chú trọng đầu tư về kinh phí, có cơ chế chính sách thỏa đáng, tạo sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cấp, các ngành; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở; chú trọng đầu tư, sưu tầm, khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; giữ gìn và phát huy các nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc, khai thác các di sản văn hóa, đặc biệt là phát triển du lịch.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục