Hành trang lữ khách

Trại rắn Ðồng Tâm - Ðiểm đến hấp dẫn của du lịch Tiền Giang

Cập nhật: 22/06/2011 09:18:33
Số lần đọc: 2137
Là nơi bảo tồn, chăm sóc và nuôi dưỡng nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm, nhất là "bộ sưu tập sống" hàng nghìn loài rắn khác nhau, Trại rắn Ðồng Tâm (như cách gọi của người dân và khách du lịch), hiện đang là điểm đến du lịch sinh thái, nghiên cứu và chữa bệnh nổi tiếng, thu hút đông khách du lịch của Tiền Giang và miền Tây Nam Bộ.

Nhân dân vùng miền Tây Nam Bộ và khách du lịch thường gọi Trung tâm nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9 một cách ngắn gọn là Trại rắn Ðồng Tâm như những ngày đầu mới thành lập tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Mặc dù được gọi như vậy, nhưng sau gần 25 năm hoạt động, trại rắn này giờ đây đã trở thành một bảo tàng sinh thái, tự nhiên lớn, nơi nuôi dưỡng và bảo tồn nhiều loài động vật, thực vật hoang dã nổi tiếng của khu vực và cả nước, trong đó có nhiều loài quý hiếm đã và đang được xếp vào sách đỏ để bảo vệ nghiêm ngặt ở Việt Nam. Với cảnh quan thiên nhiên cây xanh tươi đẹp và một cơ sở nuôi, trồng các loài động vật, thực vật quý, trung tâm hiện là điểm đến tham quan cuối tuần hấp dẫn, thu hút rất đông khách du lịch nhất là khách du lịch từ TP Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là một điểm đến không thể thiếu trong các tua du lịch liên tỉnh, về miệt vườn, sông nước Nam Bộ, góp phần tạo nên thương hiệu sản phẩm du lịch Tiền Giang. Hằng năm, trung tâm đã đón khoảng từ 30 đến 40 nghìn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, nhất là vào các dịp lễ, Tết, nghỉ hè.

      

Ðiểm đầu của hành trình tham quan trung tâm là phòng trưng bày có quy mô khá lớn, lưu giữ tiêu bản của hầu hết các loài rắn đang sống ở Việt Nam và một số loài động vật đặc biệt quý hiếm. Ðây có thể nói là bảo tàng duy nhất cung cấp những kiến thức và hình ảnh thực tế, sống động về các loài bò sát ở Việt Nam và thế giới, nhất là về các chủng loại rắn. Chính vì vậy, ngoài số lượng đông khách thăm là các nhà nghiên cứu khoa học đến từ các cơ sở, viện, trường đại học, phải kể đến một lượng khách đông đảo là các em học sinh, sinh viên. Ðến đây, các em được tận mắt quan sát thực tế, tìm hiểu một cách kỹ lưỡng qua các hướng dẫn viên của trung tâm về đời sống của các loài bò sát, những thói quen sinh hoạt và cả quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc chúng, qua đó bổ sung nhiều kiến thức hữu ích về tự nhiên và thế giới loài vật vô cùng phong phú.

 

 Sau khi thăm phòng trưng bày tiêu bản, khách du lịch sẽ được hướng dẫn tham quan các khu chức năng của trung tâm trong một khuôn viên cây xanh và hồ nước rộng hơn 30 ha. Mỗi phân khu chức năng là nơi nuôi dưỡng và bảo tồn nhiều loài động vật hoang dã sinh sống trong điều kiện môi trường tự nhiên phù hợp. Riêng về rắn, trung tâm có một bộ sưu tập rắn sống độc đáo, lớn nhất và duy nhất không chỉ ở nước ta mà trong cả khu vực, trong đó quy tụ tất cả các loài rắn với những đặc tính sinh học và mô hình sinh thái để chúng tồn tại và sinh sống mang đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long và của nhiều vùng, miền đất nước, từ những loài rắn không độc như: rắn nước, rắn hổ hành, rắn bông súng, rắn ri cá... đến các loài rắn độc và cực độc: rắn hổ đất, rắn hổ chúa, rắn cạp nong, mai gầm... Con rắn lớn nhất được nuôi ở đây là một con rắn hổ mây nặng đến 18 kg. Trong các khu chức năng, rắn được nuôi thả tự do, gồm ba khu vực phù hợp tính chất mỗi loài rắn: khu nuôi ăn, khu nuôi rắn độc và khu nuôi rắn theo kiểu đảo hồ nước.

 

Cùng với khu nuôi rắn, các khu chức năng động vật hoang dã của trung tâm cũng đang nuôi, chăm sóc và nghiên cứu bảo tồn, nhân giống nhiều loài động vật quý, có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam như: trăn, cá sấu, ba ba, cáo, gấu, hổ, báo mắt mèo, chồn hương, ba ba đinh vàng... Vườn cây xanh rộng 11 ha của trung tâm sau nhiều năm sưu tập và chăm sóc hiện cũng đã có khá nhiều loài cây đặc chủng của vùng đất phương nam, trong đó có cả một khu chức năng riêng trồng các loài cây thuốc nam và biệt dược nhằm bảo tồn các nguồn dược liệu quý. Theo Phó Giám đốc Trung tâm, bác sĩ Vũ Ngọc Lương, bên cạnh các hoạt động đón khách tham quan, trung tâm còn là điểm đến du lịch chữa bệnh với đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, đã nghiên cứu, chế tác được nhiều bài thuốc trị bệnh hiệu quả, kết hợp giữa phương thức y học gia truyền dân tộc và hiện đại. Cũng từ năm 2006 đến nay, trung tâm còn điều trị miễn phí cho các bệnh nhân bị rắn cắn với trung bình 500 trường hợp/năm.

 

Ðiểm cuối cùng kết thúc vòng tham quan trung tâm là khu dịch vụ, tại đây khách du lịch có thể tìm hiểu và mua những sản phẩm được chế biến từ trăn và rắn (nuôi làm dịch vụ) như cao trăn, rượu rắn, các biệt dược được chế biến từ thảo dược để làm quà cho bạn bè, người thân. Khách du lịch còn được cùng nhau thưởng thức những món ăn đặc sản gợi mở về một thời khai hoang, mở đất phương nam như các món cá nướng, cua đồng, chả rắn, canh cá bông súng,...

 

Hiện tại,  ngành du lịch Tiền Giang đang phối hợp cùng Trung tâm nuôi trồng, nghiên cứu và chế biến dược liệu Quân khu 9 đầu tư, nâng cấp toàn bộ các phân khu chức năng, trồng cây xanh và mở rộng, bổ sung nhiều loài thú quý hiếm khác từ các nước trong khu vực, đưa trung tâm trở thành một điểm đến độc đáo của du lịch sinh thái, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục