Hành trang lữ khách

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Điểm đến của khách du lịch quốc tế

Cập nhật: 22/06/2011 09:45:36
Số lần đọc: 2603
Với sự đa dạng về sắc màu văn hóa, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (DTHVN) trở thành điểm đến của hàng triệu du khách trong và ngoài nước.

Ông Võ Quang Trọng - Giám đốc Bảo tàng DTHVN - cho biết, sau 13 năm thành lập, Bảo tàng đón hơn 2 triệu khách, riêng năm 2010 đón 400.000 khách, trong đó có 154.000 khách du lịch quốc tế. Bảo tàng trở thành một điểm đến được lựa chọn của các công ty du lịch trong hành trình tour dẫn khách. Hiện có hơn 100 công ty du lịch đưa khách đến bảo tàng. Trong số khách đến nơi này, 90% là khách du lịch do các công ty lữ hành dẫn đến. Vào những tháng cao điểm (1,2,3 và 9, 10, 11, 12), bảo tàng lúc nào cũng kín đặc các đoàn tham quan. Nhằm phục vụ tốt hơn cho khách du lịch, bảo tàng đã tạo điều kiện về giờ hoạt động để các doanh nghiệp lữ hành chủ động xếp tour, nâng cao cơ sở vật chất, cũng như hướng dẫn viên đa dạng về ngôn ngữ như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức đáp ứng cho nhiều đoàn khách khác nhau… Hệ thống sách, CD giới thiệu về bảo tàng đa dạng hơn, với nhiều chương trình, hoạt động trọn gói như tham quan, thưởng thức nghệ thuật dân gian, ăn tiệc…

 

Bên cạnh sức hấp dẫn về màu sắc văn hóa dân tộc, những giá trị di sản được phục dựng, trưng bày cùng nhiều hoạt động đặc sắc…, thông qua phản hồi của khách du lịch, tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng bảo tàng phục vụ du lịch” tổ chức mới đây, các công ty lữ hành đã đánh giá về những điểm mà bảo tàng chưa làm được đối với hoạt động du lịch, nhất là khả năng tạo ấn tượng với khách du lịch quốc tế. Theo ông Nguyễn Văn Triệu - Công ty Du lịch Vidotour, các đoàn của công ty dẫn đến là khách nước ngoài, họ rất thích thú trước các trò chơi, nghệ thuật dân gian như múa rối nước. Tuy nhiên, các trò chơi này thường sâu sắc, mang tính nghiên cứu hơi nhiều, chưa thật sự sinh động… dẫn đến khó hiểu đối với du khách. Với các hiện vật nghệ thuật như dụng cụ âm nhạc, bên cạnh hình ảnh, phải thể hiện được tính đặc trưng thông qua âm thanh, cần có ban nhạc giới thiệu các nhạc cụ dân tộc, tạo sự thú vị, ấn tượng cho du khách để họ cảm nhận rõ ràng hơn về sự độc đáo của nhạc cụ Việt Nam… Bà Nguyễn Xuân Tú - Công ty CP Du lịch Việt Nam - phản ánh, hiện chất lượng hướng dẫn viên tại bảo tàng còn hạn chế về kiến thức, chưa truyền tải được thông tin đến với du khách, thuyết minh còn thiếu chính xác; việc cấm quay phim, chụp ảnh tại khu trưng bày đã gây nhiều bức xúc cho khách du lịch; thời gian hoạt động chưa phù hợp với khả năng thiết kế tour của lữ hành; khu trưng bày trang phục dân tộc còn đơn điệu, thiếu trang phục nổi trội, không có khu thuê trang phục để du khách chụp ảnh lưu niệm; hệ thống nhà hàng ẩm thực còn thiếu, làm giảm tính hấp dẫn cho hành trình tour. 

Để trở thành một điểm đến trong hệ thống tour (tuyến điểm) cùng với các dịch vụ du lịch, theo gợi ý của các DN lữ hành, cần đào tạo thêm về kiến thức, nhất là ngoại ngữ cho hướng dẫn viên, vì khách du lịch đến từ rất nhiều quốc gia; tăng cường quảng bá bảo tàng thông qua internet, mạng xã hội cho những người không có điều kiện đến tham quan; giới thiệu rộng rãi sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của dân tộc; dành không gian để tổ chức tour MICE (hội nghị, hội thảo) vì đây đang là xu hướng du lịch của nhiều đoàn khách quốc tế. Được biết, hiện Bảo tàng DTHVN đang trong quá trính đổi mới khu trưng bày, mở thêm tòa nhà Đông Nam Á và các nước, mở thêm trang web 3 ngôn ngữ để phục vụ khách du lịch; thực hiện lại những bản text giới thiệu một cách đồng bộ; tăng cường hoạt động khu trưng bày, mở khóa đào tạo dành cho hướng dẫn viên mới, xuất bản tài liệu về guide, nâng cấp phát triển nghệ thật múa rối nước, ca trù, phát triển một số gói hoạt động phục vụ du lịch kết nối với địa phương và tour khám phá; phát triển hoạt động trải nghiệm, tạo sức hấp dẫn cho khách du lịch như thử trang phục, làm gốm, dệt vải…; mời các đoàn nghệ thuật dân gian địa phương đến phục vụ, mở thêm nhà hàng giới thiệu ẩm thực vùng miền.

Nguồn: Báo Công Thương

Cùng chuyên mục