Một số món ăn độc đáo của người Mường, Hòa Bình
- Nước chấm ớt:
Ớt nướng giã với củ kiệu, sau đó lấy đầu gà, tiết gà, ruột gà giã tiếp cho nhuyễn rồi trộn với ít rau thơm thái nhỏ thành món nước chấm ớt Mường cổ truyền. Món này dùng để chấm thịt luộc rất ngon.
- Đĩa quéch:
Gồm tai lợn, đuôi lợn, mảng đầu mũi, đầu lưỡi là bốn bộ phận tượng trưng cho cả con lợn. Món này được làm trong dịp cúng cơm mới. Trước khi ăn phải để lên bàn thờ cùng tổ tiên.
- Ngách lưỡi:
Gồm thủ lợn, tai, lưỡi lợn được thái thành sợi trộn với óc lợn, sau đó trộn với gừng già và lá hẹ cắt nhỏ. Món này có đủ các vị cay, thơm, béo rất hấp dẫn.
- Ốc cá:
Được làm bởi cá chép xắt khúc, xếp bên cạnh sợi mày bương, sợi gừng, miếng sả, bọc ba lần lá chuối đem đồ kỹ rồi vớt ra. Trong lá chuối đọng nước cá đồ là thứ nước chấm rất thơm ngon có mùi gừng, mùi cá, mùi lá, mùi mỡ.
- Loọng:
Xương trâu hay xương lợn vẫn còn mỡ, gân, thịt thô đem ninh với lõi mềm của thân cây chuối thái ngang. Món này làm khi nhà có việc lớn, đông khách như hiếu hỉ.
- Pẻng năng (bánh nẳng):
Dân tộc Mường có một loại bánh được lưu truyền từ xa xưa, cách làm công phu và chỉ có ở Hoà Bình. Bánh được làm như sau: lấy cây mận và cây đu đủ rừng phơi khô, đốt thành tro, sau đó lắng lấy nước trong; hoà nước vôi, gạn nước vôi trong rồi đem đổ lẫn vào nước tro.
Lấy lá trầu nhúng vào nước đã chế, vớt ra cho vào miệng nhai rồi nhổ bọt nước thấy đỏ như trầu têm thì đổ gạo đã vo sạch vào ngâm. Sau 6 tiếng, vớt gạo ra gói như gói bánh chưng (gói nhỏ vừa ăn), xong bỏ vào nồi luộc khoảng 10 tiếng rồi vớt ra, treo lên.
Bánh có màu xanh như ngọc, khi ăn sẽ cảm thấy một vị mát tuyệt với, có rất nhiều hương hoa, hương lá lan toả khắp cơ thể con người.
Bánh làm vào dịp Tết dùng để cúng tổ tiên, nhằm tỏ lòng thành kính và chứng tỏ sợ trong xanh của núi rừng.
-Pẹng goẹng:
Nguyên liệu chính là bột ướt làm từ gạo tẻ, nhân rắc vào bột ướt là cá con (bắt ở ao, suối) băm nhỏ đã được đảo qua đảo lại nhiều lần trên chảo. Sau đó, bánh được gói bằng lá chuối đem luộc cho đến chín. Bánh này thường được làm trong dịp giỗ chạp, hội hè.
-Cá ướp chua:
Cá ướp chua là món không thể thiếu được trong những ngày Tết của người Mường. Để có được một hũ cá chua (pe cá tưa). Cách làm rất cầu kỳ: Đem cá mổ bụng moi ruột rửa sạch, bỏ đầu và đuôi, con nhỏ cắt thành hai, ba khúc, con to cắt thành miếng bằng hai, ba ngón tay. Sau khi cá ráo nước thì đổ vào chậu hay sanh sạch, rắc muối hơi đậm một chút, thêm vào một ít cơm nguội, một ít men rượu (tùy theo lượng cá). Tất cả trọn đều rồi cho vào hũ, lấy lá chuối tươi hơ lửa bịt kín miệng hũ và lấy lạt buộc miệng hũ thật kín. Thường xuyên kiểm tra, nếu lá rách, hở thì phải lấy lá khác bịt thêm vào đó. Khoảng mươi, mười lăm ngày mở hũ ra xem. Nếu cá có mùi chua thì bỏ “xỉnh” (thỉnh) vào, nếu chưa có mùi thì lấy muối hòa nước ấm đổ vào để gần lửa. Rang ngô nếp hạt giã nhỏ để nguội. Riềng rửa sạch thái lát, giã nhỏ. Hành cắt dài rửa sạch. Đổ cá ra, trộn đều các gia vị nói trên rồi lại bỏ vào hũ, lấy lá chuối bịt kín, buộc chặt miệng hũ. Lấy tro nhào với nước trát lên trên miệng hũ cho thật kín.
Cá ướp chua để bao lâu tùy theo chủ nhà. Tuy nhiên có một số cách thưởng thức cá ướp chua như sau:
Cá ướp chua để từ 3- 6 tháng: ăn ngay không cần qua chế biến.
Cá ướp chua gói vào lá cây thầu dầu (lá bánh tẻ) kẹp vào que tre rồi nướng bằng than củi.
Cá ướp chua đem nấu canh.
Cá ướp chua làm bánh và cơm “chộp hông”.