Hấp dẫn bún nước lèo bánh cống
Rau ghém là bắp chuối hột xắt mỏng ngâm nước lạnh, vắt chanh để ghém có màu trắng đục mới đúng điệu! Với một vốc tay bún trắng sợi mỏng, một nắm ghém, ít rau thơm, và vài giá nước lèo cùng ít lát thịt đùi hoặc ba rọi, hoặc cá lóc… ta sẽ có một tô bún mắm nước lèo tuyệt hảo! Từ nguyên liệu chính là mắm bò hóc, người Khmer và người Việt đã nâng cấp món ăn này bằng cách nấu nó với xương heo, nấm rơm cho ngọt nước.
Món bún nước lèo còn đã mắt nhờ cách bài trí. Bắp chuối bào nhuyễn với một ít giá cho vào tô. Bún ngon sắp lên trên. Tôm sú, mực, ruột hàu, nghêu luộc chín, phủ đều lên trên cùng. Nước cốt mắm nấu sôi riu riu, được nêm nếm vừa ăn và có dằn một chút sả, nghệ, riềng cho thơm. Tưới nước cốt mắm vào tô bún vừa đủ ăn. Nêm thêm mắm tôm, vắt chanh, bỏ ớt tuỳ thích. Cũng có một số khách sành ẩm thực chỉ ăn bún với nước lèo và rau ghém, vì theo họ, ăn vậy mới cảm nhận được đích thực mùi bún nước lèo.
Ở thị trấn Cầu Kè huyện Cầu Kè (Trà Vinh), khi ăn bún nước lèo người ta còn kèm theo bánh cống. Bánh cống hình dạng giống như cái cống (dụng cụ để múc, đong dầu, rượu) được pha chế như công thức bánh xèo, gồm bột gạo pha ít màu vàng của bột củ nghệ, nước cốt dừa, nhân bằng đậu xanh hột nấu chín, trên mặt có một hoặc hai con tép bạc đất. Bánh cống sau khi đổ xong được chiên giòn. Một vài chỗ còn có ít thịt da heo quay ăn kèm với bún nước lèo.
Bún nước lèo là món ngon, đặc trưng của xứ Trà Vinh. Du khách có thể về thị trấn Cầu Kè hay đến trước nhà lồng chợ thành phố Trà Vinh hoặc khu vực gần Ao Bà Om để thưởng thức món này.