Hát Iếu - Nét văn hóa độc đáo của người Tày ở Hà Giang
Trong kho tàng văn hóa của người dân tộc Tày thì hát dân ca giao duyên luôn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc. Nó thường được diễn ra trong các lễ hội như hội Lồng tồng, lễ hội Giã cốm, lễ hội rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy... Tại các lễ hội này, những chàng trai, cô gái vừa vui chơi, vừa tìm bạn để hát giao duyên, hát đối đáp bằng thơ hoặc hát theo làn điệu cọi. Nhưng có một hình thức hát giao duyên mà ít người biết tới và đang có chiều hướng mất dần, đó là hình thức hát Iếu ở tỉnh Hà Giang.
Hát Iếu là thể loại hát dân ca chỉ dành riêng cho người chưa vợ và chưa chồng. Tuy nhiên, trong thực tế do sức hấp dẫn của loại hình dân ca này nên những người có vợ, có chồng, thậm chí là những người lớn tuổi đều có thể hát, nhưng phải được sự ủng hộ, đồng tình của mọi người thì mới được hát. Hát Iếu không chỉ là một hình thức sinh hoạt văn hóa mà còn thực hiện chức năng trao đổi tình cảm lứa đôi và biểu hiện nét đẹp phong tục tập quán mang nội dung trữ tình đằm thắm, mượt mà.
Thời gian hát Iếu diễn ra rất dài, có thể thâu đêm đến sáng, thường một bên nam hoặc nữ đưa ra câu đố, bên đối tượng phải hát đối lại, khi hát trả lời được rồi thì có thể đưa ra câu đố tình huống khó hơn cho người đã đố mình lúc trước, cứ như vậy 2 bên đối đáp nhau cho tới khi bên nào thua thì thôi.
Ngày nay, số lượng các nghệ nhân và người sưu tầm hát Iếu hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, ngay cả nhiều người dân tộc Tày cũng không thể phân biệt được đâu là hát Cọi và đâu là hát Iếu.
Với những giá trị văn hóa độc đáo, hát Iếu đang đòi hỏi sự tìm tòi, nghiên cứu, quan tâm hơn nữa, để những giá trị văn hóa ấy có thể tồn tại cùng cuộc sống đương đại.