Phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong Festival hoa
Để trở thành một trong những điểm đến của Festival hoa 2011, Bảo tàng cần được đầu tư, để trước hết cơ bản hoàn thiện đề tài nghệ thuật kiến trúc. Một ngôi nhà trệt của người Mnôngar, vùng ven sông K’rông Nô huyện Đam Rông sẽ đáp ứng được tiêu chí bản sắc văn hoá vùng miền. Ngôi nhà này nằm trên nền đất nện, 8 cột chính được tạc từ lõi gỗ căm xe, cà chí hoặc cẩm lai…; phần chân cột cách mặt đất 1m được gọt đẽo theo hình miệng cối giã gạo, tạo nên vẻ đẹp vừa vững chãi, vừa đặc sắc của căn nhà. Gian bếp được dồn về phía cuối của căn nhà, bên trên bếp lửa, người ta làm một kho đựng lúa. Vách lồ ô chạy theo hai mái vòm đầu hồi tạo nên một ngôi nhà hình tròn. Mái nhà lợp bằng lá mây. Toàn bộ cấu trúc của ngôi nhà được kết nối hoàn toàn bằng dây mây, nên đã tạo độ dẻo dai, bền chắc.
Trước mỗi ngôi nhà đều dựng cây nêu - biểu tượng độc đáo của lễ hội Tây Nguyên. Mỗi tộc người đều có cách thể hiện thế giới tâm linh riêng trên cây nêu. Tư duy thần bí với tín ngưỡng sơ khai mọi việc xung quanh con người đều có linh hồn, chính quan niệm đó đã nhân hoá hiện tượng thiên nhiên tạo ra nghi lễ, tương ứng với mỗi nghi lễ lại có một cây nêu khác nhau: Từ cây nêu trong lễ cầu mưa, lễ cúng lúa, lễ bỏ mả, lễ cưới, lễ đâm trâu… được phân biệt bởi các nét khắc tạc, độ cao thấp của cây nêu. Như vậy, cây nêu đẹp nhất là cây nêu trong các nghi lễ của cộng đồng. Lễ đâm trâu là một lễ hội lớn và tiêu biểu nhất của người Tây Nguyên. Những trang trí trên cây nêu được tô màu không chỉ biểu hiện tài năng sáng tạo nghệ thuật mà còn biểu hiện sắc thái riêng của từng tộc người.
Sau đó, ngành văn hoá sẽ tuyển chọn đội cồng chiêng đặc sắc nhất của các buôn làng đến với Festival hoa. “Các dân tộc Tây Nguyên có tiềm năng nghệ thuật to lớn, con người Tây Nguyên là con người có năng khiếu nghệ thuật, một nền nghệ thuật còn tươi rói chất tự nhiên thuần khiết, hồn nhiên và mộc mạc mà nhiều nền nghệ thuật phát triển cao đã đánh mất nay đang có khuynh hướng tìm trở lại chất tự nhiên ấy” - GS.TS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian Việt Nam lại tiếp: “Nhạc cụ gõ của Tây Nguyên gắn liền với các chất liệu tự nhiên, phong phú: tre, nứa, vỏ bầu, gỗ. Nhạc cụ gõ cũng là hiện tượng âm nhạc hoá âm thanh và tiết tấu của cuộc sống lao động mà đặc trưng là giã gạo chày tay, đàn tơ rưng nước, tơ rưng gió, krông pút… đều có nguồn gốc từ các dụng cụ đuổi thú trên nương rẫy. Trong đó có cồng chiêng là tiêu biểu. Cồng chiêng có mặt trong hầu hết các nghi lễ cộng đồng, nó gắn bó với mỗi con người ở đây từ khi cất tiếng khóc chào đời tới khi nhắm mắt xuôi tay”.
Không gian văn hóa cồng chiêng mang một giá trị vượt trội và đã trở thành kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại. Âm thanh cồng chiêng luôn đi liền với nhảy múa nghi lễ. GS.TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định: “Văn hóa âm nhạc cồng chiêng thể hiện tài năng sáng tạo văn hóa nghệ thuật ở đỉnh cao của các tộc người Tây Nguyên. Đó là sáng tạo văn hóa rất độc đáo của cư dân các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Đây chính là đặc điểm rất cơ bản của vùng văn hóa Tây Nguyên. Mỗi tộc người có một hệ thống bài bản cồng chiêng gắn với các hệ thống nghi lễ vòng đời người, chu kỳ vòng đời cây trồng và các nghi lễ văn hóa tâm linh. Mỗi dân tộc, thậm chí ở mỗi ngành, mỗi plei, buôn, bon cư dân có những điệu múa riêng mà người nơi khác không dễ dàng tham gia. Thường các vũ điệu truyền thống của từng plei, buôn, bon được thực hiện kế tiếp nhau, trên nền của cùng một bài nhạc chiêng, hoặc vài ba bài cùng tính chất”.
Cồng chiêng kết nối cộng đồng các tộc người Tây Nguyên trên đôi cánh âm nhạc. Đây chính là tài sản tri thức vô giá của nhân loại. Việc tổ chức lễ hội cồng chiêng trong Festival hoa góp phần gìn giữ khôi phục các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng lễ hội. Giới thiệu di sản văn hóa Tây Nguyên. Tôn vinh các nghệ nhân. Tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tiếp xúc với tinh hoa văn hóa dân tộc. Tất cả tập trung cho chiến lược phục hồi, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên.