Lào Cai: Phát triển làng nghề gắn với du lịch
Những năm qua, tại các xã vùng cao trong tỉnh, việc bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề truyền thống được chú trọng. Nhiều làng nghề đã tạo thương hiệu uy tín trên thị trường. Sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày mà còn trở thành hàng hoá được người tiêu dùng ưa chuộng.
Mỗi khi đến với Sa Pa hay Bắc Hà, khách du lịch không quên mua cho mình những sản phẩm thổ cẩm, đồ trang sức, rượu… từ những làng nghề truyền thống Tả Phìn, Cát Cát, Sa Pả, San Sả Hồ (Sa Pa); Bản Phố, Na Hối (Bắc Hà)… để làm đồ lưu niệm hay tặng người thân. Những bàn tay khéo léo của đồng bào các dân tộc nơi đây đã thêu, dệt, chạm khắc bạc, tạo những đường nét hoa văn đặc sắc mang đậm bản sắc dân tộc.
Để bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống, những năm qua, Sở Công thương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đào tạo, khôi phục các làng nghề hoạt động hiệu quả; tổ chức tham gia các hội chợ để tìm kiếm đơn đặt hàng. Một số sản phẩm làng nghề như: thêu - dệt thổ cẩm, nấu rượu, chạm bạc… đã dần khẳng định, không chỉ có mặt ở thị trường trong nước mà xuất khẩu sang các nước trong khu vực và châu Âu. Đây là yếu tố quan trọng góp phần giải quyết những khó khăn, từng bước xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc vùng cao.
Với mục tiêu bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, các địa phương đã đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm thủ công truyền thống thông qua các vùng du lịch. Đặc biệt, nghề dệt thổ cẩm là một trong những sản phẩm chiếm ưu thế trên thị trường. Trước đây, sản phẩm này chủ yếu sản xuất tự cung, tự cấp. Khi du lịch Lào Cai phát triển, nhu cầu sử dụng, tiêu dùng mặt hàng này của du khách ngày càng lớn đã trở thành đòn bẩy để đồng bào đẩy mạnh sản xuất. Mỗi năm, người dân sản xuất hàng vạn mét vải thổ cẩm.
Các làng nghề truyền thống ở Lào Cai còn được biết đến các sản phẩm rượu San Lùng, rượu ngô Bản Phố. Các loại rượu này được nhân dân thôn San Lùng (Bát Xát) và thôn Bản Phố (Bắc Hà) sản xuất theo những bí quyết có từ lâu đời, được khách du lịch tin dùng. Lào Cai có nhiều làng nghề truyền thống, song theo đánh giá của Sở Công thương thì phần lớn các làng nghề còn sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, chưa bắt kịp với sự phát triển của thị trường, chưa kết hợp với việc phát huy các giá trị truyền thống để phát triển du lịch ngay tại làng nghề, nếu có đơn đặt hàng lớn sẽ không đáp ứng được. Bên cạnh đó, hướng dẫn viên tại các làng nghề còn thiếu và yếu. Ở các địa phương, hầu như không có người tư vấn thiết kế mẫu phù hợp với sở thích gam màu, kiểu cách của các nước: khách du lịch người Thái Lan không thích gam màu đen - trắng, nhưng khách du lịch là người châu Âu lại thích gam màu này. Biết được sở thích này, các làng nghề sẽ tìm được bạn hàng để xuất khẩu, mở rộng thị trường.
Để thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) phối hợp với các ban, ngành, địa phương tăng cường đào tạo kỹ thuật và thiết kế sản phẩm cho thợ thủ công; thực hiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ xây dựng mô hình tổ chức sản xuất; khảo sát nghiên cứu thị trường và tham gia các kỳ hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại... Đặc biệt, Trung tâm đã triển khai thực hiện Đề án "Khôi phục và phát triển các nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch tại thôn Cát Cát (Sa Pa) và xây dựng quy hoạch phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp tại thị trấn Bắc Hà". Đây là tiền đề góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống hướng đến mục tiêu thu hút khách du lịch tham quan theo các tour du lịch làng nghề.