Hoạt động của ngành

Quảng Ninh "mạnh tay" đầu tư cơ sở vật chất cho du lịch phát triển

Cập nhật: 28/12/2011 14:59:44
Số lần đọc: 1986
Trong thời gian qua, du lịch Quảng Ninh đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Không gian du lịch được mở rộng, tạo ra những khu du lịch, điểm đến du lịch hấp dẫn, làm thay đổi, diện mạo cảnh quan đô thị. Để có kết quả này, trong những năm qua, Quảng Ninh đã “mạnh tay” đầu tư cho du lịch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, thu hút đầu tư cơ sở vật chất cho du lịch từ nhiều thành phần kinh tế.

Qua đó, đã đánh thức được lợi thế và những tiềm năng to lớn về tài nguyên du lịch của tỉnh.


Huy động mọi nguồn lực


Qua thực tế cho thấy, trong khoảng 10 năm trở lại đây, công tác thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đăng ký đầu tư tại Quảng Ninh. Theo số liệu thống kê của ngành Du lịch, tổng số vốn đầu tư cho việc phát triển cơ sở vật chất phục vụ du lịch của các doanh nghiệp trong và ngoài nước huy động được khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn của các doanh nghiệp trong nước thu hút được khoảng 13.000 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư nước ngoài thu hút được hơn 1 tỷ USD với 41 dự án các loại, tổng số vốn đầu tư đã triển khai lên đến hàng trăm triệu USD. Việc thu hút đầu tư đã nâng cao chất lượng các dịch vụ, tạo sự phong phú về sản phẩm du lịch, đáp ứng mục tiêu thu hút khách du lịch có khả năng chi tiêu cao trong giai đoạn tới.

 

Nhờ các nguồn đầu tư của Nhà nước, cùng với việc áp dụng các cơ chế chính sách đầu tư của tỉnh, cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như cơ sở hạ tầng du lịch đã được tăng cường và nâng cấp một bước đáng kể. Tiêu biểu như tuyến đường bộ 18A đoạn Mông Dương - Móng Cái đã hoàn thành. Bên cạnh đó, việc đầu tư cảng, đường giao thông tới một số điểm du lịch tại 4 trung tâm du lịch: Cải tạo nâng cấp tuyến đường xuyên đảo Minh Châu - Quan Lạn, Dự án nâng cấp cảng Cái Rồng - Khu kinh tế Vân Đồn, dự án mở rộng và nâng cấp tuyến đường du lịch Dốc Đỏ - Yên Tử... đã được tập trung nguồn lực. Tổng vốn đầu tư du lịch Quảng Ninh đến năm 2011 đạt 18.900 tỷ đồng.


Quảng Ninh đã đầu tư và thu hút đầu tư trên 17 dự án phát triển du lịch và dịch vụ, tổng vốn đạt gần 5.200 tỷ đồng. Trong đó, 8 dự án đầu tư hạ tầng khu du lịch với tổng mức đầu tư được phê duyệt bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 4.000 tỷ đồng. Các thành phần kinh tế khác đầu tư kinh doanh dịch vụ cơ sở lưu trú và vui chơi giải trí du lịch khoảng 4.600 tỷ đồng. Cụ thể, khách sạn Majestic tại TP Móng Cái do Công ty Cổ phần TMDV và DL Cao su với tổng số vốn đầu tư 645 tỷ đồng; Khách sạn Mường Thanh (TP Hạ Long) tổng vốn đầu tư 320 tỷ đồng; Khách sạn Lotus gần 300 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái, resort Hồ Yên Trung (TP Uông Bí) thuộc Công ty CP đầu tư ATS với tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng; Quần thể sân gôn, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp khu vực Ao Tiên (Vân Đồn) do Công ty TNHH Liên doanh 167 - Việt Nam đầu tư với tổng số vốn là gần 1.800 tỷ đồng...


Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 852 cơ sở lưu trú du lịch với 12.600 buồng, với tổng vốn đầu tư 6.300 tỷ đồng. Trong đó, 2 khách sạn 5 sao với gần 500 buồng; 4 sao: 11 khách sạn, 1.884 buồng; 3 sao: 16 khách sạn, 1.102 buồng; 1-2 sao: 50 khách sạn, 1.696 buồng và 762 cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn với 7.551 buồng. Tổng số tàu vận chuyển và lưu trú du lịch gần 500 chiếc với tổng vốn đầu tư 650 tỷ đồng. Tổng số ô tô du lịch: 500 chiếc; 600 nhà hàng ăn uống và dịch vụ vui chơi, giải trí nhỏ và 5 điểm dừng chân cho khách du lịch.


Triển vọng mới cho tương lai


Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên du lịch cũng được tỉnh quan tâm, chú trọng. Ngoài việc phối kết hợp với các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành mở các lớp đào tạo về du lịch, hàng năm, ngành du lịch cũng thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ, nhân viên làm du lịch trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, ngành du lịch Quảng Ninh đã thu hút được khoảng 23.000 lao động trực tiếp và khoảng 35.000 lao động gián tiếp.


Trong thời gian tới, tỉnh xác định tiếp tục huy động mọi nguồn lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, đảm bảo các yêu cầu phát triển bền vững. Cùng với đó, sẽ tiếp tục quan tâm đến việc đầu tư kết cấu hạ tầng, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tại các trung tâm du lịch, ưu tiên phát triển một số công trình lớn, hiện đại mang tầm quốc tế tại trung tâm du lịch Hạ Long. Đặc biệt, tích cực thu hút, khuyến khích đầu tư phát triển các dự án, thương hiệu của các tập đoàn kinh tế mạnh, các dự án có sản phẩm du lịch có chất lượng cao và độc đáo. Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới theo xu hướng phát triển của thị trường thế giới, đáp ứng nhu cầu tối đa của mọi đối tượng khách du lịch. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khai thác các giá trị của tài nguyên thiên nhiên đi đôi với việc bảo tồn, tôn tạo các giá trị tự nhiên nhân văn, đảm bảo mục tiêu phát triển gắn với việc bảo vệ môi trường cảnh quan và phát triển bền vững.


Cùng với ưu thế về tài nguyên du lịch, sự phát triển của cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch trong thời gian qua sẽ là điều kiện thuận lợi và mở ra triển vọng mới đối với sự phát triển của du lịch Quảng Ninh. Trong một ngày không xa, du lịch Quảng Ninh sẽ có những bước phát triển bứt phá mạnh mẽ hơn, tương xứng với vị thế và tiềm năng của một trung tâm du lịch lớn của cả nước./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục