Tái hiện Tết cổ truyền độc đáo của đồng bào các dân tộc
Đến với Tết cổ truyền của đồng bào các dân tộc tại làng văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ thấy được những nét đặc trưng và văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc. Trong những nét đặc trưng riêng về văn hóa thì lễ hội là nét độc đáo nhất, trong đó phải kể đến lễ ngày Tết truyền thống. Mỗi một dân tộc có cách ăn Tết khác nhau, có những nghi thức, hoạt động khác nhau diễn ra trong dịp Tết. Với một số đồng bào dân tộc, có khi Tết kéo dài thành mùa (trong vòng khoảng nửa tháng), nhiều hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng diễn ra sôi nổi.
Đồng bào dân tộc Thái trắng đến từ Lai Châu mang đến một không khí Tết vô cùng náo nhiệt tại làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Vào những ngày cận Tết, người Thái ở Lai Châu nô nức chuẩn bị quần áo, đồ ăn, và các trò chơi dân gian. Ngày 30 Tết, theo tục lệ, tất cả các thành viên trong gia đình người Thái đều đi gội dầu. Tục lệ này mang ý nghĩa tống tiễn những điều không may mắn trong năm cũ, nghênh đón niềm vui, hạnh phúc trong năm mới sắp đến.
Tiếp theo đó là lễ mặc áo váy mới. Đối với phụ nữ, trang phục sẽ có màu sắc sặc sỡ hơn ngày thường, đặc biệt là mặc áo Thái dài và đeo thêm bưởng (một phụ trang không thể thiếu trong trang phục Tết của đồng bào Thái). Lễ xin nước cũng là một nghi lễ truyền thống trong tín ngưỡng của đồng bào Thái. Nước đối với người Thái là mang đến sự tốt lành, thịnh vượng, nuôi sống muôn loài. Sau nghi lễ xin nước, các thành viên trong gia đình bắt tay vào công đoạn chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết. Người Thái lấy thủ và bốn chân lợn làm đồ cúng, cùng với đó là nhưng món ăn và các loại bánh truyền thống như thịt gác bếp, khẩu xén (bánh được làm từ nếp nương, cán mỏng, phơi khô rồi rán chín), khẩu tủm (bánh chưng), sảy mán (lạp xườn)…
Chị Lò Thị Hường, người dân tộc Thái cho biết: “Khi chuẩn bị xong cỗ Tết, con cháu cùng quây quần bên mâm cỗ Tết, người lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ nói những lời chúc tốt đẹp, mong con cháu gặp nhiều may mắn. Mọi người cùng nhau hát, múa xòe hoa trên hạn khuống (sân vui chơi của nam nữ thanh niên trong bản), chơi trò chơi dân gian”.
Người Dao Tiền đến từ Mộc Châu, Sơn La mang đến nghi lễ truyền thống độc đáo, những điệu nhảy đặc trưng và một không gian sinh hoạt cộng đồng ấm cúng. Lễ Púng Nháng của người Dao là nghi lễ quan trọng nhất trong dịp Tết. Trong nghi lễ này, trưởng hộ cùng hai thầy cúng làm nghi thức xua đuổi tà ma và những điều xui xẻo của năm cũ, đón những điều may, sức khỏe, hạnh phúc, cầu cho mùa màng bội thu trong năm mới sẽ đến với mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Trưởng họ sẽ ngắt một cành cây tươi (với ý nghĩa mang lộc về nhà) cài vào cột chính giữa của nhà thờ, chủ nhà và thầy cúng phát tiền, xin phép làm lễ đón năm mới. Sau đó nam nữ thanh niên cùng nhảy xòe, múa kiếm, hát giao duyên.
Có một điểm đặc biệt trong dịp Tết của người Dao Tiền là vào ngày mồng 1, phụ nữ, con gái trong các gia đình không được đi chơi, phải ngồi ở nhà thêu thùa, đàn ông thì ngồi dệt túi. Thanh niên Dao đón Tết bằng điệu nhảy mang tên “Nhiang chằm đao”, có nghĩa là điệu nhảy rèn luyện sức khỏe, thể chất. Để có thể tham gia Tết nhảy, người Dao phải rèn luyện rất nhiều, bởi trong dịp Tết mỗi một người phải nhảy đến hàng trăm điệu khác nhau…
Tụ hội về làng văn hóa các dân tộc Việt Nam những ngày này, mỗi một dân tộc mang đến một sắc thái, một không khí xuân tưng bừng, nhiều màu sắc. Những nghi lễ, trò chơi hay những món ăn truyền thống của mỗi dân tộc đều là những giá trị cần phải bảo tồn, phát triển, không chỉ mang ý nghĩa văn hóa du lịch mà còn lưu giữ lại cho thế hệ sau.