Hoạt động của ngành

Nghệ An: Lễ hội Hang Bua với phát triển du lịch cộng đồng

Cập nhật: 13/02/2012 09:18:07
Số lần đọc: 2028
Trong các ngày từ 12 đến 14/2 (tức 21, 22, 23 tháng Giêng) tại bản HồngTiến 2, xã Châu Tiến (Quỳ Châu) sẽ diễn ra lễ hội hang Bua năm 2012. Đây là lễ hội truyền thống cấp vùng, hội tụ nét đẹp phong tục tập quán, tín ngưỡng tâm linh, văn hóa của đồng bào Thái ở Quỳ Châu. Dịp này, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn đồng chí Vi Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu xung quanh vấn đề này.

PV: Để Lễ hội Hang Bua diễn ra thành công tốt đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách thập phương, xin đồng chí cho biết công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được triển khai như thế nào?


Đồng chí Vi Văn Tiến: Từ trước Tết nguyên đán, UBND huyện đã ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội Hang Bua năm 2012, thành lập ban tổ chức lễ hội, các tiểu ban và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể; ban hành điều lệ, thể lệ thi đấu thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ trong lễ hội; xây dựng kịch bản chi tiết cho phần Lễ và phần Hội đảm bảo tính trang nghiêm, phát huy giá trị truyền thống của đồng bào Thái ở Quỳ Châu.Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra các hoạt động văn hóa và các dịch vụ văn hóa trước, trong và sau lễ hội; kiểm tra công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn; nghiêm cấm mọi trò chơi cờ bạc trá hình. Chỉ đạo UBND xã Châu Tiến tổ chức gian hàng ẩm thực truyền thống của người Thái để phục vụ du khách; giao Hội Phụ nữ phối hợp với Trung tâm Hướng nghiệp Dạy nghề của huyện tổ chức gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm thổ cẩm.Huyện cũng đã đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, đèn màu ở hệ thống các hang động; đặt các bia dẫn tích; biển chỉ dẫn, xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng... để phục vụ Lễ hội hang Bua năm 2012.


Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những nét mới của Lễ hội hang Bua năm nay?


Đồng chí Vi Văn Tiến: Bắt đầu từ năm 1996, Lễ hội hang Bua được tổ chức thể nghiệm, và năm 2012 là năm thứ 16 lễ hội được duy trì. Cũng như mọi năm, Lễ hội hang Bua có hai phần chính phần Lễ và phần Hội. Trong phần lễ bao gồm các hoạt động: Lễ khai quang, Lễ yết cáo, Lễ Đại tế, lễ Tạ nhằm tưởng nhớ công ơn những người có công khai bản lập mường. Phần hội gồm các hoạt động: thi đấu thể dục thể thao (bóng đá nam, bóng chuyền nam, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, ném còn, đi kà kheo); văn hóa-văn nghệ gồm: thi ẩm thực, thi văn nghệ, biểu diễn cồng chiêng, khắc luống, nhảy sạp; thi cuốn hương trầm; thi dệt thổ cẩm; thi cắm trại; thi viết chữ Thái... Năm nay, lần đầu tiên, ở lễ hội tổ chức thi văn hóa rượu cần gồm: uống rượu cần trong cưới hỏi, trong lễ mừng nhà mới, trong lễ hội... với các hình thức diễn xướng khác nhau của các thầy mo, của người làm cham. Với một huyện có trên 80% đồng bào Thái sinh sống,việc tổ chức thi văn hóa rượu cần có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo tồn, phát huy nét văn hóa sinh hoạt của người Thái.


Năm nay, ngoài các hoạt động trên, lễ hội còn được đón các nghệ nhân, các đại biểu ở các huyện của tỉnh bạn gồm Trà Bồng, Tây Trà (Quảng Ngãi); Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân (Thanh Hóa) về chung vui, tổ chức hoạt động giao lưu giữa tuổi trẻ hai huyện kết nghĩa Trà Bồng - Quỳ Châu.


Phóng viên: Để Lễ hội hang Bua gắn với việc phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2011-2015, huyện đã có những giải pháp gì thưa ông?


Đồng chí Vi Văn Tiến: Mục tiêu phát triển du lịch của Quỳ Châu đề ra đến năm 2015 (có tính đến năm 2020) là Quỳ Châu trở thành điểm du lịch hấp dẫn vùng Tây Bắc Nghệ An với cơ sở vật chất hoàn thiện, sản phẩm du lịch độc đáo; phấn đấu đến năm 2015 tỷ trọngkinh tế thương mại dịch vụ chiếm 37,5%; đạt 19-20 nghìn khách du lịch đến Quỳ Châu, doanh thu từ du lịch tăng bình quân 21-22%/năm.


Xác định Lễ hội hang Bua là "điểm nhấn" để phát triển du lịch cộng đồng ở Quỳ Châu, do đó, huyện đã đầu tư nâng cấp các hạng mục cơ sở vật chất phục vụ lễ hội, đồng thời, tăng cường quảng bá về Lễ hội hang Bua; quảng bá các tuyến, tua: hang Bua-Thẳm Chàng-Thẳm ồn-Tôn Thạt; Hang Bua-hang cỏ Ngạn-leo núi Phá Xăng bằng nhiều hình thức. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển các CLB văn hóa Thái; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; khai thác nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực; các sản phẩm truyền thống; đa dạng hóa các sản phẩm lưu niệm... Nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, chất lượng phục vụ ở các cơ sở lưu trú, các nhà hàng... Xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn để Quỳ Châu trở thành điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn.

 

Phóng viên:Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Nghệ An

Cùng chuyên mục