Đắk Lắk: “Bảo tồn, phát huy di sản văn hoá cồng chiêng”
Qua kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể ở 587 buôn, thôn của 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, đồng bào Êđê, M’nông, J’rai còn lưu giữ trên 2.307 dàn cồng chiêng (bằng đồng), 2.633 chiếc trống H’gơr và các nhạc cụ bằng tre, nứa, đá khác với 139 danh mục bài chiêng. Tỉnh có gần 5.520 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, chỉnh chiêng và 635 nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng.
Tỉnh Đắk Lắk cũng đã tiến hành điều tra, nghiên cứu lập được 189 danh mục sử thi, 181 danh mục truyện cổ, 155 danh mục nghi lễ, lễ hội của đồng bào Êđê, M’nông, J’rai. Rất nhiều trong số sử thi, truyện cổ, luật tục của đồng bào dân tộc thiểu bản địa đã được biên soạn, xuất bản phát hành rộng rãi, bổ sung vào kho tàng văn học dân gian phong phú của cả nước, tiêu biểu như sử thi Đam San, Truyện thần N’Tôn bị đánh, Quả bầu vàng, sự tích cây Kơ Nia...Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa nhằm gắn chặt không gian văn hoá truyền thống với cuộc sống hiện đại. Nhiều nghi lễ dân gian được phục hồi như lễ cúng bến nước, lễ kết nghĩa anh em, lễ ăn trâu, lễ bỏ mả, lễ mừng cơm mới...Đặc biệt, lễ hội voi Đắk Lắk kết hợp với diễn tấu cồng chiêng luôn thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc tham gia... Hàng năm, tỉnh đều tổ chức các lễ hội, các lớp truyền dạy đánh chiêng cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa, xây dựng 700 đội cồng chiêng ở các thôn, buôn, trong đó có 200 đội cồng chiêng trẻ.
Hiện nay, ngoài việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, cùng cộng đồng phát huy ý thức tự giác trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tỉnh còn có kế hoạch lựa chọn những di sản văn hoá tiêu biểu đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia./.