Bánh hỏi – Đặc sản quê hương Bình Định
Kỳ công một nghề truyền thống
Nhiều người thường hỏi: “Không biết bánh hỏi có từ lúc nào. Và tại sao người ta lại đặt tên là bánh hỏi?”. Theo người Bình Định, bánh hỏi có từ rất lâu đời. Cũng là thứ bánh làm từ bột gạo như nhiều loại bánh truyền thống khác, nhưng thứ bánh hỏi của “xứ nẫu” vẫn cứ là lạ. Lúc đầu mới làm ra loại bánh lạ nầy, ai thấy cũng… hỏi là thứ bánh gì? Cái tên bánh hỏi có lẽ đã được khai sinh từ đó?! Còn theo nhiều chuyên gia ẩm thực, bánh hỏi chính là “biến thể” của bún tươi, có ở nhiều vùng miền nước ta. Người dân đất võ thấy sợi bún lớn nên đã chế biến làm cho sợi bún nhỏ lại. Từ đó tạo ra món bánh hỏi.
Nếu so sánh, bánh hỏi và bún có cách chế biến gần giống nhau, cùng chất liệu bột gạo, song làm bánh hỏi công phu và tỉ mỉ hơn. Đại thể, quy trình làm bánh của người đất võ, như sau: Gạo vo sạch, ngâm một đêm (khoảng 10-12 giờ). Xong, vớt ra đem xay nhuyễn bằng cối đá (sau này xay bằng máy xay bột). Cho nước bột gạo sền sệt vào chiếc bao vải sạch, để ráo nước. Đem hấp bột vừa đủ chín, nhồi và chia bột thành từng khối chừng nửa ký gọi là "giảo" bột - giống cách làm bánh canh. Tiếp theo, lại đưa vào khuôn, ép thành bánh. Khuôn bánh hỏi ở trên to, đáy khoan những lỗ li ti nhỏ. Bí quyết nghề làm bánh hỏi là nhờ chiếc khuôn. Lỗ khuôn quá nhỏ, bột không chạy qua. Lỗ quá lớn, sợi bánh sẽ lớn như sợi… bún.
Các khối bột đã nhào nặn sẵn, người ta bỏ vào khuôn, dùng một khối gỗ vừa lòng khuôn ép cho bột chảy ra. Bột khá đặc, lỗ lại nhỏ cần sức ép lớn nên người thợ phải dùng đến hệ thống đòn bẩy. Sức ép trên mặt khuôn rất lớn, một người ép một người bắt bánh. Mỗi lần ép đòn bẩy xuống là những vòi bột loăn xoắn tuôn ra ở đáy khuôn. Người thứ hai dùng tay ngắt ra từng đoạn nhỏ, đưa vào nồi hấp cách thủy một lần nữa mới đem ra thị trường tiêu thụ.
Bánh hỏi thời nay
Người dân đất võ có câu: ‘’Mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ; Em thương một người có mẹ không cha; Bánh xèo bánh đúc có hành hoa; Bánh hỏi thiếu hẹ như ma không kèn...’’. Lá hẹ ăn với bánh hỏi rất ngon. Hẹ tuy cùng họ với hành, tỏi nhưng lá nhỏ và xanh hơn, hương lá hẹ lại không gắt như lá hành tươi nên rất hợp với bánh hỏi.
Ngoài việc dùng xì dầu làm nước chấm rất ngon, bánh hỏi cũng có thể chấm với nước mắm pha loãng với gia vị là ớt, tỏi, đường, chanh, bột ngọt ...
Khi ăn bánh, người Bình Định thường cho thêm chút dầu phộng hoặc dầu dừa đã khử hành chín. Dầu ăn trộn với lá hẹ xắt nhỏ, tẩm lên từng miếng bánh làm cho hương vị bánh hỏi rất lạ, kích thích khẩu vị. Khi ăn chỉ cần một làm chén xì đầu với ớt, tỏi, đường giả nhuyễn, vắt thêm miếng chanh tươi là có ngay món điểm tâm sáng thật tuyệt.
Bánh hỏi đi đôi cháo lòng, đấy là món khoái khẩu của người đất võ. Cháo lòng nấu hơi loãng với huyết heo ninh nhừ, thịt nạc băm nhuyễn, thêm chút gia vị tiêu, hành, bột ngọt cho vừa ăn. Cũng vì cách ăn này mà thỉnh thỏang ở các vùng miền khác của cả nước, quán ăn nào có bán bánh hỏi, thường cũng phục vụ kèm thêm đĩa lòng heo, dạ trường, gan, dạ dày, dồi heo … rất tuyệt.
Người Bình Định khi cúng giổ, cưới hỏi, lễ lạt đều có món bánh hỏi. Các làng nghề làm bánh hỏi truyền thống, ngon nổi tiếng vùng này có ở Quy Nhơn, Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước … Mỗi ngày, các lò bánh có thể bán ra thị trường hằng trăm kilôgam.
Ở Bình Định, bánh hỏi được bán rất phổ biến. Nhưng ngon nhất là ở khu vực ngã ba Phú Tài (TP. Quy Nhơn). Có hàng chục quán ăn với món cháo lòng - bánh hỏi, món điểm tâm dễ ăn mà cũng rất hấo dẫn với nhiều du khách phương xa.
Thực đơn bánh hỏi ở Bình Định hiện có khoảng đến… 10 món; như: bánh hỏi chả giò, bánh hỏi lòng heo, bánh hỏi thịt nướng, bánh hỏi chạo tôm, bánh hỏi tôm càng, bánh hỏi thịt bò nướng, bánh hỏi gà nướng...
Cùng với bánh tráng, bánh ít lá gai, bún song thằn…, món bánh hỏi từ lâu đã trở thành đặc sản riêng của vùng đất võ. Một món ăn tuy rất đỗi bình dân nhưng lại có sức quyến rũ lạ kỳ.